Bình yên nơi bản nhỏ biên giới Xà Phìn
Các cặp đôi hát đối đáp, giao duyên. Ảnh: TƯ LIỆU |
Đứng ở trụ sở UBND xã Phương Tiến, ngước nhìn lên dải núi trùng điệp, xanh thẫm trước mặt, tôi không khỏi hồi hộp khi nghĩ đến hành trình đến với thôn Xà Phìn. Phó Chủ tịch UBND xã, Cấn Văn Hiển trấn an tôi: “Mặc dù hơi dốc và quanh co, nhưng chặng đường đến thôn giờ đã được bê tông hóa, nên việc đi lại cũng thuận tiện hơn trước đây rất nhiều”. Quả thực, con đường đất đỏ “sống trâu, sống ngựa” gập ghềnh, bụi mờ trong nắng khô ngày trước, nay đã được thay thế bằng con đường bê tông như dải lụa uốn quanh sườn núi.
Vượt qua nhiều góc cua vừa gắt, vừa dốc, chúng tôi cũng đến được cổng chào của thôn. Xà Phìn là bản của người Dao, nơi cư ngụ của những người con núi rừng với trái tim tự do, phóng khoáng và đầy kiêu hãnh, chỉ quen sống nơi núi cao, nơi giao thoa giữa trời và đất. Đứng giữa lưng chừng núi, phóng tầm mắt ra xa là thấy những nếp nhà sàn với mái cọ rêu phong hiện ra thật bình dị và nên thơ. Ở nơi giao thoa giữa đất và trời ấy, dường như là một nhịp sống khác, chậm rãi và thanh bình.
Thiếu nữ Dao Xà Phìn thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG |
Giữa khung cảnh núi non thơ mộng, những tiếng hát luyến láy, trầm bổng của một nhóm thanh niên nam, nữ đã thu hút chúng tôi. Trong những bộ trang phục truyền thống bắt mắt với khăn đội đầu sắc đỏ, vòng kiềng bạc lấp lánh, các chàng trai, cô gái mải mê hát đối đáp, giao duyên. Cô gái cất tiếng hát: “Theo anh thì cái gì vui nhất/ Trên đời có cái gì quý nhất”. Chàng trai bên kia ngập ngừng cất tiếng hát đối lại: “Theo anh thì có em là quý nhất/ Cưới nhau rồi cả gia đình đoàn tụ, ấm no”. Người Dao yêu chuộng âm nhạc, thường sử dụng âm nhạc để thổ lộ tâm tình. Trong đó, các chàng trai, cô gái người Dao thường sử dụng làn điệu hát giao duyên để làm quen và tìm hiểu nhau. Từ những màn hát đối đáp này, không ít đôi đã bén duyên với nhau, trở thành vợ chồng.
Bước chân lên nếp nhà sàn xinh xắn, ngồi bên bếp lửa, Trưởng thôn Đặng Văn Háu rót chén nước chè mời khách và không quên giới thiệu về sản phẩm đặc sản của địa phương – chè Shan tuyết. Theo ông Háu, người già nhất ở bản Xà Phìn này cũng không nhớ nổi những cây chè cổ thụ có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã thấy những cây chè cao quá đầu người, đứng hiên ngang, sừng sững giữa núi đồi Tây Côn Lĩnh. Sống trên ngọn núi cao, quanh năm mây mù bao phủ, cây chè “uống” những giọt sương tinh khiết để sản sinh ra những búp chè tươi mang tinh túy của đất trời. Bởi vậy chè Shan tuyết Xà Phìn có hương vị thơm, ngon rất đặc trưng. Ông Háu chia sẻ: Chè Shan tuyết ở đây có cây cao, tán rộng, búp to đều, đặc biệt chè rất sạch, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trong quá trình chăm sóc, thu hái, sao chế và bảo quản. Mỗi ấm chè có thể pha đến vài lần nước mà vẫn giữ được màu xanh, vàng sánh đặc trưng và vị đậm đà, đượm hương núi rừng.
Những năm qua, chè Shan tuyết trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân Xà Phìn. Toàn thôn có 53 hộ thì hầu hết các gia đình đều trồng chè. Hiện nay, diện tích chè của thôn là 32,7 ha, thuộc vùng chè hữu cơ. Ông Bàn Văn Dọc, thôn Xà Phìn chia sẻ: Trước đây chè chủ yếu được người dân hái về rồi sao lên để gia đình uống, có đem đi bán thì giá trị kinh tế cũng không cao. Vì vậy, các gia đình hầu hết không chăm sóc, cứ để mặc cây chè tự lớn với nắng mưa, sương gió. Nhưng bây giờ thì khác rồi, chè Shan tuyết trở thành thức uống đặc sản, giá bán cũng ngày càng cao hơn so với trước đây. Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây chè mang lại cùng với sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, thôn, bây giờ các gia đình đều chủ động học cách chăm sóc cây chè và thu hoạch, bảo quản theo đúng hướng dẫn. Nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè Shan tuyết.
Trong khung cảnh núi non hùng vỹ, giữa những làn mây bay lơ lửng, các thiếu nữ Dao trong trang phục truyền thống đang nhanh tay thu hái những búp chè tươi non. Phía dưới chân đồi xa xa là những khoảng ruộng bậc thang loang loáng nước hòa cùng màu mạ non trong buổi sớm bình minh. Những bản “tình ca” đối đáp, giao duyên của các chàng trai, cô gái Dao vẫn vang vọng khắp núi rừng. Tất cả tạo nên một bức tranh thanh bình và thơ mộng cho bản nhỏ Xà Phìn.
Bình yên ở làng cổ nơi miền sơn cước Quảng Nam Có một miền quê ở lưng chừng vùng sơn cước, nơi những ngõ đá, những ngôi nhà cổ bằng đá, hàng rào và cả giếng đá đã tạo nên một nếp làng yên bình mà độc đáo. |
Thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo nơi biên giới Ngoài làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên và đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thời gian qua, các đơn vị BĐBP Gia Lai còn tập trung đẩy mạnh các hoạt động giúp nhân dân phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện nhiều chương trình, mô hình hiệu quả, thiết thực, trong đó, nổi bật là mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. |
Mảnh đất cằn cỗi vươn mình nơi biên giới Người dân xã biên giới Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang) đã hồi sinh sau “cú hích” từ Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. |