Hàng rào 'mềm' bảo vệ biên cương
Thêm màu xanh cho biên giới
Mùa Xuân tại xã biên giới Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) vừa được tô điểm thêm màu xanh của những khóm tre Bát Độ do bà con nhân dân và các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Huổi Luông (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) trồng dọc biên cương, theo chủ trương thực hiện mô hình "lũy tre biên giới".
Thực hiện mô hình này, Đồn biên phòng Huổi Luông đã lựa chọn 3.600 cây tre Bát Độ để trồng thử nghiệm. Theo đó, tre được trồng dọc theo đường biên giới từ mốc giới số 57 đến mốc giới số 60, dài gần 3 km, thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông. Số kinh phí 90 triệu đồng được Đồn Biên phòng Huổi Luông trao đổi, phối hợp với các cơ quan, đơn vị huy động, sử dụng cho việc mua giống tre, hỗ trợ phân bón ban đầu, mua dụng cụ.
Nhân dân bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre Bát Độ. |
Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết, việc trồng tre vừa là hàng rào bảo vệ biên giới vừa tạo nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, góp phần bảo vệ môi trường...
"Khi bà con trồng, chăm sóc tre ở đường biên giới, họ sẽ là những 'chiến sĩ' hỗ trợ biên phòng phát hiện dấu hiệu bất thường, người vượt biên trái phép để kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp xử lý", Trung tá Lê Văn Quyết nói.
Đơn vị đã phối hợp với UBND xã Huổi Luông tổ chức họp bản Hồ Thầu để tuyên truyền về ý nghĩa của việc triển khai thực hiện mô hình và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng rất cao của nhân dân trên địa bàn.
Ông Lê Văn Dung, Bí thư xã Huổi Luông cho biết: "Trồng tre để phát triển kinh tế là một hướng đi mới, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ".
Tre sau khi trồng được bàn giao cho các hộ dân tham gia bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông chăm sóc, quản lý để làm mô hình sinh kế cho người dân. Theo đó, giống tre Bát Độ có thể thu hoạch sau 2 – 3 năm trồng. Trung bình năm đầu tiên cho thu hoạch từ 11-23 kg măng/bụi, đến năm thứ 6 cho thu 20 – 25 kg măng/bụi, sang năm thứ 7 – 8 có thể cho 30-40 kg măng/bụi...
Mỗi cây tre được trồng xuống sẽ mang theo kỳ vọng về tương lai chúng sẽ tạo thành hàng rào 'mềm' bảo vệ biên cương, hơn nữa còn mang lại nguồn thu nhập mới cho bà con nhân dân nơi biên giới. |
Chia sẻ về những dự định tương lai, Trung tá Lê Văn Quyết cho biết Đồn Biên phòng Huổi Luông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, đồng hành với nhân dân bản Hồ Thầu trồng đủ số tre theo dự kiến, bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt; dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện mô hình; phối hợp giúp đỡ người dân chăm sóc tre.
"Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho UBND xã thành lập tổ tự quản, xây dựng quy chế quản lý mô hình để thực hiện bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; liên hệ đầu ra cho sản phẩm măng tre Bát Độ, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả đời sống của nhân dân khu vực biên giới”, Trung tá Lê Văn Quyết nói.
Ngoài Lai Châu, mô hình "lũy tre biên giới" đang được hình thành dọc tuyến biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, không chỉ tạo nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, quốc phòng ngày càng vững chắc.
Tại Quảng Ninh, năm 2021, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Trồng tre bảo vệ biên giới”. Các Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Pò Hèn, Quảng Đức cùng nhân dân trên địa bàn trồng 2.000 gốc tre Bát Độ dọc theo bờ sông Ka Long. Tại Lạng Sơn, tháng 9/2022, Đồn Biên phòng Ba Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) tổ chức triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” trên địa bàn biên giới huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. |
Chuyện của thời xưa cũ
Đánh giá về hiệu quả mà mô hình “lũy tre biên giới” mang lại có thể kể đến hình ảnh thực tế về những lũy tre phủ xanh bờ sông biên giới Ka Long, ai cũng có thể nhìn tận mắt khi đi theo quốc lộ 18C từ thành phố Móng Cái lên tới xã Quảng Đức (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh).
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra dưới rừng tre dọc theo bờ sông biên giới Ka Long. (Ảnh: Quốc Toàn) |
Trước khi có những lũy tre này, dọc theo sông Ka Long trước đây vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về làm sạt lở bờ sông, dòng chảy thay đổi gây khó khăn trong việc xác định cũng như quản lý đường biên giới.
Trong buổi họp giao ban vào một ngày cuối tháng 2/2000, Đồn trưởng Bùi Giang Nam và Chính trị viên Vương Ngọc Thực (nay đều đã nghỉ hưu) đã đưa ra ý tưởng trồng tre dọc sông biên giới Ka Long để ngăn sạt lở, ổn định được dòng chảy từ đó dễ dàng hơn trong việc xác định và quản lý đường biên giới. Sau khi thống nhất được chủ trương, một mặt, đơn vị trích tiền mua giống tre Bát Độ, mặt khác vận động đồng bào đi đào thêm gốc tre gai, tre mai về trồng.
Trưởng thôn Thán Phún và thôn Pình Hồ (xã Bắc Sơn) lúc ấy là ông Nịnh A Bảo và Chỏng A Nhì. Hai ông chính là những người nhiệt tình nhất ủng hộ việc trồng tre dọc theo bờ sông biên giới của Đồn Biên phòng Lục Phủ.
Ông Chỏng A Nhì nhớ lại: “Khi đó, việc vận động người dân tham gia trồng tre dọc bờ sông Ka Long cũng không dễ dàng. Tôi cùng Thượng úy Tạ Viết Phong (Đội trưởng đội Vận động quần chúng- PV) đến từng nhà vận động bà con đi đào gốc tre về trồng. Để làm gương, tôi cũng vào rừng đào gốc tre. Bà con thấy trưởng thôn, Bộ đội Biên phòng làm cũng hăng hái tham gia. Được một thời gian, Đồn Biên phòng giao lại hết cho người dân chăm sóc, quản lý. Đến lúc thu hoạch măng, có được số tiền đáng kể bà con phấn khởi lắm” .
Thấy bà con ở Bắc Sơn trồng, đồng bào Dao ở xã Hải Sơn cũng làm theo. Đến nay, trong cửa hàng hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của UBND xã Hải Sơn có nhiều thứ được trưng bày như trà hoa vàng, quả sim và có cả măng phơi khô đã được hút chân không. Gói măng khô mang theo câu chuyện trồng tre bảo vệ biên giới càng khiến nhiều người thích thú.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Không để bị động, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ Nhân dịp đầu xuân mới, PV VOV đã phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. |
Tri ân những người bảo vệ biên giới Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; qua đó, khích lệ, động viên các cựu chiến binh, người có công vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. |