Thảo luận giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam
Hội nghị phản biện xã hội về bảo tồn văn hóa DTTS tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đại Đoàn Kết.
Nguy cơ mai một văn hóa DTTS
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 125.000 đồng bào DTTS, thuộc 4 nhóm dân tộc là Cơtu, Xê đăng, Cor và Gié- Triêng, trong đó tộc người Cơtu có khoảng 50.200 người.
Các dân tộc này sinh sống tập trung ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My…
Quá trình cộng cư giữa các dân tộc anh em đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa vừa phong phú, vừa đa dạng về các hình thức biểu đạt của văn hóa các DTTS tỉnh Quảng Nam. Kho tàng văn hóa của đồng bào miền núi tỉnh Quảng Nam khá đa dạng, từ những nét đặc trưng trong văn hóa tộc người Cơ tu như Gươl, cồng chiêng, nói lý hát lý… đến các nghi lễ, tập quán, nghệ thuật diễn xướng của đồng bào Cor, Cadong, Xêđăng...
Tuy nhiên, qua thời gian, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, bản sắc văn hóa của đồng bào phai nhạt dần. Điển hình như trang phục truyền thống thường chỉ được sử dụng trong các ngày lễ hội, các bộ cồng/trống - chiêng của nhân dân đang dần bị hư hỏng do thời gian; các điệu múa cồng/trống - chiêng chủ yếu tập trung vào những người lớn tuổi; hầu hết các thôn, xã không có cồng/trống - chiêng nên rất khó khăn trong tổ chức các hoạt động; các loại hình dân ca, dân vũ ít được sử dụng, lưu truyền và phổ biến, đặc biệt trong lớp trẻ; việc truyền dạy di sản trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức…
Phương án bảo tồn văn hóa truyền thống DTTS
Trong hội nghị phản biện Dự thảo đề án 'Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025', các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến để bảo tồn văn hóa các DTTS.
Theo ông Nguyễn Anh Cả, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, nhu cầu bức thiết của địa phương hiện nay là sưu tầm các loại hình văn hóa dân gian của 4 nhóm dân tộc, có cơ chế chính sách cho nghệ nhân để họ truyền bá, hướng dẫn từng loại hình nghệ thuật cho dân tộc họ (kể cả vật thể và phi vật thể) thông qua các loại hình câu lạc bộ gắn với tính bản địa để họ tự quản, tự truyền, việc này chắc trường học không thể làm được như dự án nêu.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Anh Cả phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đại Đoàn Kết.
Ông cũng nhấn mạnh hiện tại một số nhóm dân tộc, tiếng nói, chữ viết đã mai một thậm chí phát ngôn không chính xác tiếng bản địa của dân tộc mình, do vậy cần đầu tư, sưu tầm, giảng dạy trong trường học. “Việc này nên giao lại cho địa phương gắn với nhà trường thực hiện”.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị nhằm bảo tồn văn hóa DTTS như: Hỗ trợ cồng/trống - chiêng cho các thôn có đồng bào DTTS; truyền dạy kỹ năng thực hành di sản thuộc mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch tại địa phương; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống tiêu biểu; phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống đồng bào DTTS; hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ hoặc các đội văn nghệ thuật truyền thống; đưa nội dung di sản văn hóa các DTTS vào giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú…
Bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS là vấn đề được thế giới cũng như Việt Nam hết sức quan tâm. Điều 27 Công ước Quốc tế quy định về quyền của người thiểu số thuộc các nhóm thiểu số về sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Quy định nêu rõ: “Ở những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền có đời sống văn hoá riêng, hoặc quyền sử dụng tiếng nói riêng”. Trong điều 5, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 cũng nêu rõ: “...Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.” |
Khánh Trâm