Tháo gỡ rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật
Trở ngại đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật
Phát biểu tại tọa đàm, chị Nguyễn Ánh Phượng, thành viên Hội người khuyết tật quận Đống Đa đã chỉ ra rằng trẻ em gái khuyết tật khó có cơ hội được tiếp cận các thông tin cần thiết về giáo dục giới tính. Trẻ em gái khi ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt là trung học cơ sở sẽ bắt đầu dậy thì và có nhiều thay đổi về tâm sinh lý cần phải tâm sự với mẹ, với chị.
Đặc biệt ở thời điểm này, các em đã có khả năng mang thai. Tuy nhiên, hầu hết trường học nhận đào tạo cho học sinh khuyết tật đều tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh… khiến các em ở các địa phương khác phải học nội trú xa gia đình. Nếu không được ai hướng dẫn, các em sẽ không hiểu được những thay đổi của cơ thể cũng như không được học những kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe sinh sản của chính mình.
Chị Nguyễn Ánh Phượng, thành viên Hội người khuyết tật quận Đống Đa. |
Theo bà Saowalak Thongkuay, thành viên Ban điều hành Trung tâm Phát triển Người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị tấn công tình dục với tỷ lệ ít nhất gấp đôi so với phụ nữ nói chung. Nguyên nhân một phần là do sự thiếu hiểu biết khi không được tiếp cận giáo dục giới tính. Ngoài ra, với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật về nhận thức hoặc giao tiếp, việc họ không có khả năng từ chối có thể bị cố tình đánh tráo thành sự đồng ý.
Bà Saowalak Thongkuay, thành viên Ban điều hành Trung tâm Phát triển Người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương. |
Bên cạnh đó, trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật cũng phải đối mặt với các rào cản chung mà những người khuyết tật thường gặp phải. Theo kết quả nghiên cứu “Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập – Nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Xuân Thủy thuộc Đại học Carleton (Canada) và ThS. Bùi Thị Thanh Hòa thực hiện, cho thấy người khuyết tật thường phải đối mặt với việc sử dụng ngôn ngữ mang tính sát thương, miệt thị. Đặc biệt, trẻ em gái khuyết tật khi bị coi thường, phân biệt đối xử sẽ dễ bị tổn thương hơn do giới tính.
Ngoài ra, người khuyết tật còn thường bị đánh giá là không làm được gì và bị loại trừ khỏi các vị trí lãnh đạo trong cộng đồng, tổ chức hay kể cả nhỏ hơn là những chức danh lớp trưởng, lớp phó… trong lớp học.
Về giáo dục, các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện còn rất thiếu. Cơ hội cho người khuyết tật tham gia giáo dục xóa mù chữ và giáo dục thường xuyên còn thấp. Hơn nữa, những hộ gia đình có thành viên là người khuyết tật thường có điều kiện kinh tế khó khăn hơn so với mặt bằng chung, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa. Rào cản về cơ sở vật chất như đường dành cho xe lăn, đường dốc, tài liệu cho người khiếm thị, giáo viên giảng dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính… cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Giải pháp tháo gỡ những khó khăn
Xuyên suốt buổi tọa đàm, các thành viên tham gia đã cùng thảo luận đưa ra những khuyến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, rào cản mà trẻ em gái, phụ nữ khuyết tật đang phải đối mặt.
Ban điều phối thảo luận. |
Trước hết cần tăng cường giáo dục giới tính, tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn cho trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật. Với từng dạng khuyết tật cần có phương pháp giảng dạy riêng ví dụ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và tranh ảnh với trẻ khiếm thính; sử dụng các vật dụng cụ thể với trẻ khiếm thị; giảng dạy từ từ, lặp đi lặp lại với những trẻ em khuyết tật về trí tuệ…
Ở từng lứa tuổi, mỗi giai đoạn, cũng cần phải lựa chọn những phương pháp khác nhau và quan trọng nhất là độ tuổi dậy thì. Sự giáo dục ở giai đoạn này phải chi tiết và kỹ lưỡng hơn. Đồng thời, phải dạy trẻ cách chống lại những tấn công từ người lạ, cách thoát khỏi sự kiểm soát của những đối tượng xấu. Từ đó, các em sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn khi gặp tình huống tương tự.
Về vấn đề phân biệt đối xử, cần có các hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ hơn để cộng đồng hiểu và tôn trọng sự khác biệt. “Người khuyết tật là một phần của sự đa dạng con người. Có nhiều cách đi bộ không chỉ bằng chân, có nhiều cách nhìn không chỉ bằng mắt, có nhiều cách giao tiếp không chỉ bằng lời nói…” – bà Saowalak Thongkuay khẳng định.
Thêm vào đó, các tổ chức, cộng đồng cần có đại diện là người khuyết tật nói chung và trẻ em gái phụ nữ khuyết tật nói riêng để họ có tiếng nói trong việc tổ chức các hoạt động đoàn thể, xã hội đồng thời cần tham vấn ý kiến của họ trong việc ra quyết định liên quan tới sự lãnh đạo và cơ cấu của tổ chức.
Về giáo dục, TS. Tạ Ngọc Trí, phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cho biết, cần bảo đảm giáo dục đối với người khuyết tật qua ba phương thức: giáo dục hòa nhập (giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong một cơ sở giáo dục); giáo dục chuyên biệt (giáo dục tại cơ sở dành riêng cho người khuyết tật) và giáo dục bán hòa nhập (kết hợp giữa giáo dục hoà nhập và giáo dục chuyên biệt).
TS. Tạ Ngọc Trí, phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. |
“Học sinh khuyết tật khi tham gia học tập cần được đánh giá đúng mức độ nhận thức để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với nhu cầu và khả năng cho chính học sinh khuyết tật đó. Từ đó đảm bảo quyền được học tập của các em.” – ông Trí chia sẻ.