Thái Bình quan tâm hợp tác thương mại và đầu tư với các đối tác Pháp
Kết nối, hợp tác giữa tỉnh Thái Bình và vùng Toscana của Italy Chiều 21/10 (giờ Italy), UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng Toscana tổ chức hội thảo Hợp tác kinh tế Thái Bình - vùng Toscana. |
Thúc đẩy hơn nữa quy mô thương mại song phương Ngày 25/10/2022, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc theo hình thức trực tuyến. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận làm việc với Hội đồng Vùng Auvergne Rhone Alpes (Nguồn: TTXVN). |
Tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và trao đổi thương mại với Vùng Auvergne-Rhone-Alpes nói riêng và với các đối tác Pháp nói chung là mục đích chuyến thăm và làm việc từ ngày 23-27/10 của đoàn Ủy ban Nhân dân và các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, do Chủ tịch tỉnh Nguyễn Khắc Thận dẫn đầu.
Với mong muốn thúc đẩy hợp tác địa phương, ngày 24/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã có buổi làm việc với ông Philippe Meunier, Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Auvergne-Rhone-Alpes.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp là đặc thù của quan hệ hai nước, trong đó việc tăng cường và củng cố hợp tác, phát huy thế mạnh của các địa phương là nhu cầu của cả hai phía Việt Nam và Pháp nói chung, và của tỉnh Thái Bình nói riêng.
Trên tinh thần này, Thái Bình mong muốn và sẵn sàng hợp tác với một tỉnh thuộc Vùng Auvergne-Rhone-Alpes để hai bên cùng thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực nhằm đạt được sự tương hỗ, gắn kết, phát huy thế mạnh giữa hai địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng, ông Philippe Meunier, đánh giá cao quan hệ hợp tác của Vùng Auvergne-Rhone-Alpes với một số địa phương Việt Nam trước đây, đã đạt được rất nhiều thành tựu, điển hình là với các tỉnh miền Nam gồm Đồng Nai, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, chiếu sáng công cộng, y tế, giáo dục-đào tạo.
Ông cho biết Vùng Auvergne-Rhone-Alpes với thế mạnh là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Pháp, có hệ sinh thái về công nghiệp và khoa học đời sống. Các tỉnh của vùng sẵn sàng mở rộng hợp tác với các địa phương Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, năng lượng và hạ tầng cơ sở xanh, thân thiện với môi trường.
Ông nhấn mạnh việc hợp tác với Thái Bình, một tỉnh phía Bắc của Việt Nam là hoàn toàn khả thi và có triển vọng.
Hai bên khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai địa phương. Vùng Auvergne-Rhone-Alpes sẽ sớm chọn lựa một tỉnh có tiềm năng để hợp tác với tỉnh Thái Bình, tăng cường các sự kiện kinh tế tổ chức giữa hai bên để cộng đồng doanh nghiệp giữa Vùng và tỉnh Thái Bình có nhiều cơ hội trao đổi và cụ thể hóa các cơ hội hợp tác.
Gặp gỡ doanh nghiệp
Trong thời gian ở thăm và làm việc tại Pháp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Business France, Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa (CPME) của Vùng Auvergne-Rhone-Alpes, để tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp tại thành phố Lyon và Paris, với sự tham dự của 8 doanh nghiệp Thái Bình và đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư Pháp trong nhiều lĩnh vực có thế mạnh như năng lượng, chuyển đổi số, nông nghiệp, thực phẩm, đô thị hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận và Phó Chủ tịch Vùng Philippe Meunier (Nguồn: TTXVN). |
Phát biểu tại các buổi tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận giới thiệu về tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư tại Thái Bình trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dich vụ, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, y tế… và những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông khẳng định với vị trí địa lý thuận lợi và bờ biển dài 54km, với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như khí đốt, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nguồn cung lao động dồi dào, chất lượng cao và sự phát triển của cơ sở hạ tầng công nghiệp... Thái Bình đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn ở Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam.
Ông cũng cho biết tỉnh đang tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, du lịch, xử lý nước biển ngăn xâm nhập mặn, công nghệ nuôi trồng, chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo.
Trao đổi với các doanh nghiệp hai nước, ông Đào Quốc Cương, Trưởng bộ phận xúc tiến đầu tư tại Pháp, cho biết Pháp hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam tại EU với hơn 3,7 tỷ USD tổng vốn đăng ký, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Pháp có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực dược phẩm, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, bền vững, cơ sở hạ tầng, logistics...
Đây là những lĩnh vực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nói chung, và của tỉnh Thái Bình nói riêng. Năm 2022 và những năm tiếp theo, bộ phận đầu tư tại Pháp cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư của tỉnh Thái Bình với các nhà đầu tư Pháp nói chung và tại Vùng Auvergne-Rhone-Alpes, tạo ra những bước tiến bứt phá trong quá trình hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng.
Các buổi tọa đàm doanh nghiệp đã diễn ra rất cởi mở và chủ động, có sự tham gia thảo luận của cả hai bên. Phần trình bày của các diễn giả Pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiểu thêm vai trò của Business France, cũng như các lĩnh vực kinh tế thế mạnh của Vùng Auvergne-Rhone-Alpes.
Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp Pháp có thêm thông tin về những chính sách ưu đãi của tỉnh Thái Bình với doanh nghiệp nước ngoài, tiềm năng, chiến lược và chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Thái Bình, triển vọng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và các sản phẩm thực phẩm, hợp tác trong lĩnh vực dệt may và dự án môi trường.
Chủ tich UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận (thứ hai, bên trái) phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Business France (Ảnh: Thu Hà/TTXVN). |
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Nguyễn Khắc Thận cho biết các buổi làm việc với doanh nghiêp Pháp tại vùng Auvergne-Rhone-Alpes và tại Paris là cơ hội để giới thiệu tiềm năng và lợi thế của Thái Bình tới các đối tác Pháp, từ đó mở ra các hướng hợp tác đầu tư thương mại giữa Thái Bình và các tỉnh của Pháp trong tương lai đồng thời góp phần nâng cao vị thế của tỉnh.
Ông nhấn mạnh : "Thái Bình là một tỉnh có lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhưng việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn ở mức khiêm tốn. Do đó chúng tôi cần thu hút các doanh nghiệp Pháp, với kinh nghiệm và trình độ của họ, sẽ giúp chúng tôi áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong khâu chế biến, bảo quản, lưu trữ các sản phẩm nông nghiệp."
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết thêm hiện nay chưa có doanh nghiệp Pháp nào đầu tư vào Thái Bình và sản phẩm xuất khẩu của tỉnh sang Pháp còn chưa cao, ông mong rằng trong thời gian tới, sau khi nắm được nhu cầu tiềm năng lợi thế của tỉnh, sẽ có những doanh nghiệp Pháp đến với tỉnh Thái Bình và mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới sẽ có những thay đổi tốt hơn.
Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân AB Viet-France, cho rằng không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, Thái Bình còn có thể phát triển hợp tác trong một số lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Ông cho biết trong thời gian tới sẽ đưa một số đoàn doanh nghiệp Pháp tới Việt Nam để tìm hiểu về môi trường đầu tư, trong đó Thái Bình cũng là một điểm đến.
Ông Didier Boulogne, Phó giám đốc Business France, cho rằng các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Thái Bình mở ra một hướng phát triển đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Pháp.
Ông nhấn mạnh : "Chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc giúp các doanh nghiệp Thái Bình đẩy mạnh giao thương với Pháp đưa các sản phẩm của họ vào chào bán ở thị trường đầy tiềm năng này. Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp. Đây cũng là thế mạnh của Pháp, do đó tôi nghĩ hai bên sẽ có nhiều thứ để triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là trong chế biến nông sản."
Ông cho biết với vai trò là cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại Pháp, Business France có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp Pháp thậm nhập vào thị trường Việt Nam.
Với quan điểm coi trọng Việt Nam, một quốc gia đóng vai trò then chốt trong khu vực ASEAN, Business France đã đặt văn phòng đại diện tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc để giúp các doanh nghiệp Pháp tìm kiếm và gặp gỡ đối tác, triển khai các dự án đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam từ đó xuất khẩu ra thế giới.
Trước khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Pháp, đoàn ủy ban nhân dân tỉnh đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình vui mừng thông báo kết quả làm việc của đoàn và trân trọng cảm ơn Đại sứ quán đã tích cực thu xếp, đồng hành, đồng thời đề nghị Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới.
Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết sau đại dịch COVID-19, các địa phương Việt Nam đã có những bước triển khai mạnh mẽ để nối lại hợp tác kinh tế với các đối tác nước ngoài, trong đó có Pháp, nhằm tìm kiếm những hợp đồng, dự án, kế hoạch hợp tác mới trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Đại sứ đánh giá cao sự năng động này của các tỉnh và cam kết sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối với các đối tác Pháp để triển khai các dự án trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2023, trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.