Tăng tuổi nghỉ hưu: Tránh “vỡ” quỹ và đảm bảo bình đẳng giới?
Có nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tránh “vỡ” quỹ bảo hiểm. Ý kiến khác lại cho rằng, tăng để đảm bảo bình đẳng giới…
Phản biện ý kiến “vỡ”quỹ
Phản biện lại vấn đề tăng do lo sợ “vỡ” quỹ, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định trên Vietnamnet: Việc nói tăng tuổi nghỉ hưu để tránh “vỡ” quỹ là thiếu căn cứ. Ai cũng biết, đây không phải là vấn đề mới, trước đó, nội dung này đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.
Người lao động này là đối tượng khó tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa trên internet.
Trong lần sửa đổi Luật Lao động lần này, Bộ LĐ,TB&XH tiếp tục đề cập tới việc tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Quan điểm của Bộ này cho rằng, chế độ hưu trí hiện nay đang bộc lộ những bất cập như tuổi thọ trung bình tăng trong khi độ tuổi nghỉ hưu còn thấp, sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đặc biệt quỹ hưu trí có nguy cơ bị “vỡ” vào năm 2034...
Trước đó, trong quá trình hoàn thiện pháp luật BHXH, đặc biệt là quá trình xây dựng Luật BHXH năm 2006, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có đưa ra một nhận định trên cơ sở nghiên cứu, nếu thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng như quy định của Luật BHXH năm 2006 thì có khả năng mất cân đối quỹ. Vì vậy, Luật BHXH năm 2014 (thay cho Luật BHXH 2006) đã được sửa đổi và bổ sung nhiều quy định điều chỉnh để khắc phục dự báo mất cân đối quỹ hưu trí - tử tuất trong tương lai.
"Tới thời điểm này, một số tài liệu nghiên cứu vẫn lấy nhận định cũ về nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH vào năm 2034, tác động rất lớn đối với tâm lý của một số người lao động. Theo đó, vì những tuyên bố quỹ BHXH sẽ mất cân đối trong dài hạn đã khiến nhiều người lao động lo ngại mất quyền lợi trong tương lai. Điều này cũng góp phần làm gia tăng tỉ lệ lao động chủ động xin nhận BHXH một lần gia tăng", ông Lê Đình Quảng nhận định.
Ảnh minh họa trên internet.
Phân tích thêm về hệ lụy tăng tuổi nghỉ hưu, chuyên gia Lê Đình Quảng cho rằng, mỗi năm hiện có khoảng 700.000 người lao động xin nhận BHXH một lần. Con số này tương đương với số lượng lao động hàng năm tham gia mới vào chính sách BHXH. Điều này ảnh hưởng xấu tới các chính sách về an sinh xã hội nói chung.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Trao đổi về vấn đề này với PV Diễn đàn doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp thong tin: Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Còn nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân thì phân tích: Việt Nam đang trong giai đoạn “kép” giữa dân số vàng và già hoá, tuy nhiên việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét kỹ lưỡng tác động. Bởi theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), 90% công nhân lao động vẫn muốn nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện nay, tức là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi, họ không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Cùng với đó, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ vô hình chung khiến tình trạng thất nghiệp ở lao động trẻ càng thêm trầm trọng. Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận: “Việt Nam đang trong quá trình phát triển, cho nên nếu tổng khối lượng việc làm không thay đổi, số người ở lại sẽ ảnh hưởng một phần nhỏ đến số người vào”.
Ảnh minh họa
Đối với người trực tiếp tham gia sản xuất, lao động thủ công nhất là trong ngành xây dựng, giao thong… người lao động sẽ khó để duy trì sức lực làm việc liên tục, hiệu quả đến độ tuổi 62 với nam và 60 với nữ. Do đó, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, chúng ta phải tính kỹ cho lực lượng này. Vì nếu, làm xáo trộn sẽ ảnh hưởng lớn tới lực lượng lao động chung. Theo ông Huân, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tiếp tục tính toán kỹ hơn và dựa trên những phân tích tác động về áp lực thị trường, chứ không chỉ dựa trên áp lực về cân đối quỹ, về già hóa dân số hoặc bình đẳng giới.
Gia tăng người trẻ thất nghiệp?
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Nhưng, không phải tất cả đều tìm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn rất cao. Bởi, chính sách lao động đang chuyển dần sang phát triển theo chiều sâu.
Thực tế, các doanh nghiệp trong và FDI đều có xu hướng sử dụng lao động trẻ, hiện tượng sa thải lao động trên 35 tuổi đã xảy ra ở nước ta. Những lao động trên 35 tuổi, nhất là nữ rất khó tìm việc làm mới sau khi đã kết thúc hợp đồng với doanh nghiệp trước đó.
Đối với lực lượng lao động là trí thức, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã làm cho họ bị kéo dài thời gian phấn đấu để được đề bạt, tham gia vào các công tác quản lý. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, công tác quy hoạch cán bộ, độ tuổi lại phải tính toán lại, theo đề án mới, rất tốn kém và khó khả thi.
Ông Nguyễn Hòa Thành, chuyên gia xã hội học phân tích: “Có những điều chúng ta nên học tập nước ngoài nhưng có những thứ mà hình thái xã hội hiện đại của chúng ta chưa thể đáp ứng được. Vì thế, chúng ta cần làm một cách từ từ, thận trọng, từng bước. Hiện nay, chúng ta đang coi trọng sự trẻ hóa cán bộ quản lý… Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đi ngược với chính sách đó. Thực tế, nếu không trẻ hóa đội ngũ cán bộ, chúng ta sẽ mất dần cơ hội để hội nhập, phát triển và tiếp cận cái mới”.
Theo chuyên gia Thành, trong hành trình phát triển, chúng ta phải lựa chọn cái gì cần trước, cần sau và có lộ trình. Đừng đề xuất những vấn đề chưa thể khả thi.
P.Hà