Tăng cường sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào các hoạt động nhân đạo
Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường, mở rộng và phát triển các mối quan hệ hợp tác đối tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; kêu gọi sự tham gia, đồng hành của các đối tác trong các hoạt động nhân đạo, đặc biệt là thực hiện các chương trình, đề án và dự án về an sinh xã hội ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Hội nghị tập trung đánh giá kết quả chương trình viện trợ nhân đạo tại Việt Nam 5 năm qua và định hướng ưu tiên trong các hoạt động nhân đạo giai đoạn 2019 – 2022.
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: 5 năm qua, tổng trị giá hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đạt hơn 9.563 tỷ đồng, trung bình 1.912 tỷ đồng/năm, năm sau cao hơn năm trước, trong đó giá trị hoạt động công tác xã hội đạt 56%, giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt gần 20,8%, hiến máu nhân đạo đạt hơn 10,6%, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt gần 4,8%, tuyên truyền, huấn luyện cán bộ đạt 7,8%; đã trợ giúp trên 36 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn (trung bình hơn 7 triệu lượt người nghèo/năm); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 7,11 lần.
Để có được nguồn lực phục vụ các hoạt động nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo, tập trung vào 5 phương thức vận động: Vận động nguồn lực dựa vào số đông, phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống tổ chức Hội các cấp và cộng đồng bằng các chương trình nhắn tin; vận động quỹ thông qua ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp, nghị quyết liên tịch với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong hoạt động nhân đạo; duy trì và phát triển mô hình Ban bảo trợ hoặc Hội đồng bảo trợ hoạt động chữ thập đỏ; Vận động nguồn lực ngoài nước; Ứng dụng công nghệ thông tin trong vận động nguồn lực.
Ông Đôn Tuấn Phong phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký VUFO Đôn Tuấn Phong cho biết, là cơ quan đầu mối về quan hệ, vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) tại Việt Nam, trong những năm qua, VUFO đã tích cực vận động các TCPCPNN và bạn bè, đối tác quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia và ủng hộ giúp đỡ các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo và phát triển, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân thiên tai…
Việt Nam hiện có quan hệ với hơn 1.000 TCPCPNN, trong đó có hơn 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, các TCPCPNN đã tài trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 4,3 tỷ USD. Hoạt động của các TCPCPNN diễn ra tại 63 tỉnh thành trên cả nước và trên hầu khắp các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng kể nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế xã hội.
VCCI với 100% các doanh nghiệp phát triển coi hoạt động nhân đạo là một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tùy vào khả năng và lĩnh vực hoạt động, mỗi doanh nghiệp tham gia hoạt động nhân đạo với với các hình thức ủng hộ, tài trợ khác nhau, có thể bằng tiền, hàng và nguồn nhân lực.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về những cơ hội, thách thức, giải pháp về tăng cường trợ giúp nhân đạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Các tổ chức, doanh nghiệp cùng cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động trợ giúp nhân đạo, an sinh xã hội, đưa ra định hướng hoạt động trợ giúp cộng đồng, địa bàn trợ giúp, đối tượng hưởng lợi... để các đơn vị có vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, VCCI, VUFO phối hợp trong điều phối, định hướng ưu tiên theo nhu cầu cần trợ giúp của cộng đồng.
Trước thời cơ và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, VUFO, VCCI khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các hoạt động nhân đạo, trách nhiệm xã hội mang tính bền vững, phát triển, tập trung vào các vấn đề ưu tiên sau: Phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm hoạ; cứu trợ khẩn cấp; Môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Cộng đồng an toàn; Y tế và chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng; Công tác xã hội; Khắc phục hậu quả chiến tranh; Chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi dựa vào cộng đồng.
Cũng tại hội nghị, 12 đơn vị, tổ chức ký chương trình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như: Chương trình phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, VUFO, VCCI; chương trình phối hợp giữa Hội CTĐ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc…; tại hội nghị, 13 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ủng hộ và cam kết trực tiếp với tổng trị giá hơn 185 tỷ đồng.
Thùy Linh