Tăng cường cơ hội cho lao động nữ dân tộc thiểu số
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai của Dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới và Giáo dục cho trẻ em gái vùng DTTS của Việt Nam” - Dự án “Chúng tôi có thể”.
Hội thảo có sự tham dự của ông Toshiyuki Matsumoto, Trưởng ban Chương trình Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Ban Dân tộc, một số sở, ngành của tỉnh Hà Giang; đại diện một số doanh nghiệp công nghệ, kết nối thị trường và hơn 120 phụ nữ, thanh niên DTTS từ 5 huyện của Hà Giang là Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên.
Các khách mời chia sẻ về các chính sách hướng tới xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ đào tạo kỹ năng, tạo việc làm cho phụ nữ và thanh niên DTTS. Ảnh: Ủy ban Dân tộc |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Toshiyuki Matsumoto, Trưởng ban Chương trình Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, UNESCO mong đợi sự tham gia nhiệt tình, tích cực của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, các đơn vị đào tạo, các hợp tác xã và doanh nghiệp, và tất cả các bên có liên quan, trong việc kết nối hỗ trợ phụ nữ và thanh niên DTTS hiện thực hóa mong ước của họ. Với hệ sinh thái hỗ trợ được thiết lập, các chị, các bạn sẽ có thể chủ động trong cuộc sống và độc lập về tài chính. Với điều kiện kinh tế gia đình cải thiện, các chị phụ nữ, các bạn thanh niên sẽ có thể tiếp cận tốt hơn với các cơ hội học tập, việc làm, y tế và các dịch vụ khác.
Ông Toshiyuki Matsumoto bày tỏ mong muốn mô hình do Dự án “Chúng tôi có thể” thí điểm tại Hà Giang sẽ là một mô hình tốt cho Ủy ban Dân tộc trong việc thực hiện “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết: Các nghiên cứu cho thấy, lao động nữ DTTS nước ta hiện có trên 4,7 triệu người, chiếm khoảng 50,4% quy mô lực lượng lao động DTTS. Tuy chiếm hơn một nửa lực lượng lao động nhưng nữ DTTS hiện đang gặp nhiều khó khăn trong lao động, việc làm. Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực của xã hội. Do vậy, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhấn mạnh: Một trong những mục tiêu hướng đến năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là: Tạo ra việc làm cho ít nhất 27.000 hộ DTTS thông qua việc hỗ trợ, phát triển 1.864 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp ở khu vực các xã khu vực III, khu vực II vùng đồng bào DTTS và miền núi do người DTTS làm chủ hoặc có ít nhất 50% lao động là người DTTS (phấn đấu ít nhất có 50% các mô hình do nữ giới làm chủ hoặc có từ 50% số lao động là nữ giới trở lên). Các kinh nghiệm được chia sẻ, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã khẳng định sự quan tâm của các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tác hỗ trợ kỹ thuật và cộng đồng người dân đến việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và thanh niên người DTTS.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải mong rằng mô hình thí điểm về hợp tác, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ sinh kế tại tỉnh Hà Giang sẽ được tổng kết và nhân rộng tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các hợp tác xã và các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật. Ảnh: Ủy ban Dân tộc. |
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tế để nhân rộng mô hình kinh doanh thành công do phụ nữ làm chủ tại các địa phương; phương pháp hỗ trợ cộng đồng DTTS tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hướng tới giảm nghèo, phát triển bền vững. Trao đổi về kết nối giữa các cơ quan, ban, ngành tỉnh Hà Giang, các đối tác hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, hợp tác xã của phụ nữ và thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã do chị em phụ nữ DTTS làm chủ.
Dự án “Chúng tôi Có thể” được UNESCO triển khai từ năm 2019, với sự hợp tác của Ủy ban Dân tộc (thông qua hoạt động của Dự án Nâng cao hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển và sáng kiến giảm nghèo vùng DTTS - Dự án EMPS), Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, với nguồn ngân sách hỗ trợ từ tập đoàn CJ của Hàn Quốc thông qua Quỹ Malala của UNESCO về Giáo dục cho trẻ em gái. Dự án tiếp cận ba vấn đề là: trẻ em không đi học hoặc bỏ học, tập trung vào trẻ em gái DTTS; bạo lực học đường trên cơ sở giới; những hạn chế trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm của phụ nữ và nữ thanh niên thuộc cộng đồng DTTS. Dự án thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ và thanh niên DTTS tại tỉnh Hà Giang thông qua việc xúc tiến các cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các hợp tác xã trên địa bàn và tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tạo thu nhập, tạo sinh kế cho hơn 120 phụ nữ, thanh niên DTTS từ 5 huyện của Hà Giang là Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên. |