Tân Thủ tướng Hy Lạp công bố kế hoạch cải cách mới
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu trước Quốc hội.
Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên của ông trước Quốc hội kể từ khi lên nhậm chức, Tsipras đưa ra một danh sách các biện pháp cải cách trái với những chính sách được áp đặt bởi bộ ba chủ nợ, từ việc khôi phục lại tiền lương hưu và hủy bỏ thuế tài sản cho tới chấm dứt việc sa thải hàng loạt công nhân và nâng mức lương tối thiểu trở về ngang bằng với thời điểm trước khủng hoảng…
Nhắc một chút tới những cảnh báo từ các đối tác EU để có thể nhận được khoản giải ngân cuối cùng của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (272 tỷ USD), Tsipras cho biết ông hoàn toàn tôn trọng cam kết sẽ hàn gắn "vết thương" của chính sách thắt lưng buộc bụng - một điều kiện để Hy Lạp nhận được gói cứu trợ - gây ra cho đất nước này.
Ông cũng khẳng định, Hy Lạp sẽ đạt được cân bằng ngân sách. "Gói cứu trợ thất bại", nhà lãnh đạo 40 tuổi nói và nhấn thêm: "Chúng tôi không đàm phán chủ quyền quốc gia của chúng tôi".
Mặc dù từ chối khoản giải ngân cuối cùng trong gói cứu trợ, đồng thời Hy Lạp cũng đang phải đối mặt với việc phải trả số lãi khoảng 2 tỷ euro (gần 2,3 tỷ USD) vào tháng Hai và thanh toán khoản vay 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng Ba, song tân Thủ Tướng Hy Lạp cho biết, ông tin tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận mới với các đối tác châu Âu về một “chương trình bắc cầu” để giúp Hy Lạp vượt qua khó khăn.
Hiện lập trường của chính phủ mới tại Hy Lạp đang được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu theo dõi chặt chẽ do lo ngại những chính sách mới có thể đưa Hy Lạp quay trở lại “những ngày tự do chi tiêu của quá khứ” khiến quốc gia này ngập cổ trong nợ nần.
Tuy nhiên, tân Thủ tướng Alexis Tsipras cũng cho thấy sự kiên quyết của mình trong việc cắt giảm chi tiêu công khi ông tuyên bố cắt giảm xe công cũng như bán một trong những chiếc máy bay của thủ tướng. Ông cũng vạch ra kế hoạch chiến dịch truy quét tội trốn thuế trong đó nhắm vào những người giàu có...
Hy Lạp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách khắc khổ mà bộ ba chủ nợ đã đưa ra để đổi lấy gói cứu trợ. Quốc gia này mặc dù vừa mới thoát khỏi suy thoái kinh tế, nhưng gần một phần tư người Hy Lạp đang thất nghiệp. "Ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay là để xử lý các “vết thương lớn” của gói cứu trợ như đã hứa sẽ làm trước khi cuộc bầu cử", Tsipras nói.
Được biết, trong tuần qua, các quan chức Hy Lạp đã đưa ra một kế hoạch chuyển tiếp nhằm đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, trong khi Chính phủ Hy Lạp đang đàm phán lại thỏa thuận nợ của họ.
Theo đó, thay vì tiếp tục nhận khoản giải ngân cuối cùng 72 tỷ EUR, Chính phủ mới của Hy Lạp muốn được quyền phát hành nợ ngắn hạn lớn hơn ngoài ngưỡng 15 tỷ UER hiện nay. Hy Lạp cũng nhắm đến 1,9 tỷ euro lợi nhuận mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận được từ số trái phiếu của nước này.
Chính phủ mới của Hy Lạp cũng đề xuất một “chương trình bắc cầu” để giúp cho nền tài chính nước này tiếp tục vận hành cho tới khi Athens có thể đưa ra một chương trình cải cách và mức nợ mới.
(Nguồn: Anh Thư/Reuters)