Tai nạn nát đầu túi khí không bung, chủ xe có thể kiện hãng xe hơi?
Một vụ tai nạn liên quan đến Toyota Camry không bung túi khí. |
Hỏi:
Tôi đang sử dụng 1 chiếc xe của hãng xe Nhật Bản, vừa qua không may tôi có gặp phải tai nạn. Chiếc sedan của tôi bị hư hỏng nặng phần đầu nhưng khá ngạc nhiên là hệ thống túi khí trên xe không hề hoạt động. Xin hỏi tôi có thể kiện hãng xe vì sản phẩm không chất lượng hoặc quảng cáo sai sự thật không? Tôi cần liên lạc với tổ chức nào để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của tôi?
Trả lời:
Theo thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật Chính pháp), Túi khí là một trong những hệ thống an toàn quan trọng trong xe ô tô, nó giúp hạn chế chấn thương cho người ngồi trong xe khi có va chạm xảy ra. Trên các mẫu ô tô hiện đại, hệ thống túi khí được trang bị hầu hết ở các vị trí ghế ngồi để có thể bảo vệ an toàn cho người lái trong trường hợp xảy ra va chạm. Đây cũng là một trong những ưu tiên của nhiều người khi lựa chọn mua xe ô tô.
Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật Chính pháp |
Thông thường các nhà sản xuất xe ô tô giới thiệu sản phẩm đến công chúng thông qua nhiều phương tiện, hình thức quảng cáo khác nhau để làm rõ được tính năng, đặc điểm, sự ưu việt của sản phẩm.Khách hàng thường dựa trên những thông tin được quảng cáo để lựa chọn sản phẩm mà họ cho rằng là phù hợp với nhu cầu, mục đích sử dụng, khả năng chi trả và trên hết là đảm bảo sự an toàn.
Do đó theo quy định của Luật quảng cáo thì nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo (Khoản 1 Điều 19). Nghiêm cấm việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố (Khoản 9 Điều 8).
Như vậy, trách nhiệm của nhà sản xuất xe ô tô khi quảng cáo sản phẩm là phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho khách hàng.
Theo Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng có các quyền: “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”; Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan…”
Trong vụ việc xe được quảng cáo an toàn với hệ thống phanh, chống va chạm, túi khí .... tuy nhiên khi xảy ra tai nạn túi khí không bung, nếu nghi ngờ khách hàng có thể làm việc với hãng xe, yêu cầu đơn vị này đưa ra thông tin, số liệu chính thức và thỏa thuận cách thức giải quyết, bồi thường thiệt hại thực tế xảy ra (nếu có).
Khách hàng có thể đòi quyền lợi chính đáng khi cảm thấy bị xâm phạm - Ảnh minh hoạ |
Trường hợp Hãng xe Nhật Bản kể trên gây khó khăn thì người tiêu dùng có thể đề nghị cơ quan, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, quản lý thị trường địa phương làm việc với hãng xe để đơn vị này công khai thông tin.
Nếu không được đáp ứng thì khách hàng có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng.
Trường hợp xe của khách hàng được xác định có lỗi kỹ thuật dẫn đến khách hàng bị ảnh hưởng trong quá trình sử dụng thì các đơn vị bán xe có trách nhiệm ngừng bán các sản phẩm lỗi và phải có phương án thu hồi sản phẩm đã bán và khắc phục lỗi, bảo vệ quyền lợi cho người mua, đồng thời bồi thường thiệt hại thực tế xảy ra với khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm.
Cũng theo thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Các tài liệu, chứng cứ có thể bao gồm giấy tờ nhân thân người khởi kiện; giấy tờ mua bán xe; giấy tờ xe; tài liệu chứng minh về việc hãng xe Nhật Bản này quảng cáo xe có túi khí; Tài liệu chứng cứ chứng minh việc quảng cáo của hãng là không đúng thực tế sử dụng; tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại của người mua xe.
Luật sư Trương Anh Tú. |
Còn theo, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết thêm, tùy vào yêu cầu khởi kiện của khách hàng thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết trong phạm vi yêu cầu đó. Khách hàng có thể yêu cầu Tòa án buộc bên bán xin lỗi, thu hồi hoặc sữa chữa sản phẩm, bồi thường thiệt hại và các chi phí cần thiết nếu có.
Thiệt hại yêu cầu bồi thường có thể là thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại, việc xác định thiệt hại và các trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể có thể căn cứ vào thỏa thuận mua bán xe giữa hai bên hoặc theo quy định của Bộ luật dân sự.
Dựa trên việc xem xét tài liệu chứng cứ khách hàng cung cấp và các tài liệu chứng cứ khác, Tòa án có thể xem xét chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của họ. Cũng theo ông Tú, đoàn Luật sư TP.Hà Nội luôn sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho người tiêu dùng để có thể đảm bảo quyển lợi hợp pháp.