Synchronicity Earth (Anh) hỗ trợ Đà Nẵng nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Được thực hiện từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2026, dự án Bảo tồn loài chà vá chân nâu tại Đà Nẵng nhằm bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng tại địa phương ở thành phố Đà Nẵng.
Dự án Bảo tồn loài chà vá chân nâu tại Đà Nẵng do Tổ chức Synchronicity Earth tài trợ nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng |
Dự án được triển khai sẽ có khoảng 7.500 lượt học sinh, sinh viên, cộng đồng được tham quan, học tập miễn phí về bảo tồn loài Chà vá chân nâu tại Trung tâm giáo dục thiên nhiên của Trung tâm GreenViet (70 đường Lý Tử Tấn, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Đồng thời, 100 giáo viên tại 50 trường THCS tại thành phố được nâng cao năng lực, xây dựng tốt bài giảng về bảo vệ thiên nhiên, môi trường địa phương thông qua 2 khóa tập huấn và được hỗ trợ tư liệu, giáo cụ để triển khai hoạt động giáo dục thiên nhiên cho 10.000 học sinh.
Cũng thông qua dự án, hiệu quả và chất lượng của các chượng trình giáo dục trải nghiệm tại Bán đảo Sơn Trà được nâng cao, thu hút nhiều đối tượng tham gia giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và Chà vá chân nâu. Năng lực gây quỹ của cán bộ Trung tâm GreenViet được nâng cao có thể huy động tốt nguồn tài trợ trong nước cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố chỉ đạo Trung tâm GreenViet phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thủ tục tiếp nhận và triển khai dự án đúng mục đích; thực hiện đúng các quy định và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
Trên thế giới, các nghiên cứu và khảo sát đã xác định được loài Voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, và một phần nhỏ ở đông bắc Campuchia. Quần thể lớn nhất hiện nay được ghi nhận tại miền Trung của Lào. Trong khi đó, các quần thể của loài này bị phân tán và chia cắt khá mạnh bởi việc phá rừng và xâm lấn đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, làm đường giao thông,…. Các vùng phân bố của loài Voọc chà vá chân nâu ở Việt Nam từ Nghệ An đến Kon Tum, cụ thể gồm các Vườn quốc gia như Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha – Kẻ Bàng (Qaungr Bình), Bạch Mã (Huế) và các khu bảo tồn thiên nhiên như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Đăk Krong (Quảng Trị), Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Sao La (Quảng Nam), Sông Thanh (Quảng Nam), Ngọc Linh (Kon Tum – Quảng Nam), Chư Mom Rây (Kon Tum), Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa, Nam Hải Vân (Đà Nẵng) và nhiều khu rừng đặc dụng khác ở Quảng Nam. |