Sử dụng nền tảng truyền thông hiện đại trong tăng cường sức mạnh mềm tại Việt Nam
Hội thảo “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại”. |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sức mạnh mềm quốc gia là khả năng đạt được những gì mà một quốc gia mong muốn thông qua việc gây ảnh hưởng, tạo sự hấp dẫn và sự thuyết phục. Theo đó, sức mạnh mềm có khả năng lôi cuốn, thu hút để các nước khác “tự nguyện” thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mình muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế (cấm vận, trừng phạt…) và quân sự.
Bà Giang khẳng định, kỷ nguyên số đã tạo ra nền tảng công nghệ truyền thông hiện đại Internet, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Từ đó làm thay đổi cách thức truyền thông của con người. Trong điều kiện đó, sức mạnh mềm có nhiều cơ hội phát triển thông qua hai hình thức: phát triển thương hiệu quốc gia và ngoại giao công chúng.
Về phát triển thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện Việt Nam đã ban hành nhiều chỉ thị về Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu định hình thông điệp quốc gia, toát lên hình ảnh Việt Nam là một đất nước văn minh, an toàn, tươi đẹp, phát triển năng động thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Mai Anh) |
Về ngoại giao công chúng, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, những phương thức truyền thông hiện đại mới xuất hiện như mạng xã hội, báo điện tử… có tốc độ thông tin gần như tức thời, tính tương tác cao, phạm vi lan tỏa rộng và mức độ ảnh hưởng sâu sắc. Trong xu thế đó, chính phủ các nước đều vận dụng hình thức truyền thông mới trong các hoạt động đối ngoại làm xuất hiện những khái niệm mới như: ngoại giao số, ngoại giao mạng xã hội, ngoại giao kết nối… Ông Lê Hải Bình cho rằng Hội thảo là cơ hội để đại biểu hai nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về vấn đề này.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Mai Anh) |
Thảo luận tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, việc xây dựng sức mạnh mềm cần gắn bó chặt chẽ với khoa học công nghệ và sự thích ứng của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Hiện nay, mạng xã hội là phương thức lan truyền thông tin rất nhanh nhưng cũng cũng đặt ra những thách thức như quản lý tin giả, thông tin sai lệch; xây dựng nguyên tắc ứng xử trên mạng xã hội. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông hiện đại, rất cần một đội ngũ nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu của thời đại, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia.
Bày tỏ sự ấn tượng với chính sách “ngoại giao công chúng” rất thành công mà Australia đã và đang thực hiện, bà Phạm Lan Dung mong muốn Australia có thể chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc triển khai chiến lược này. Bà Dung đề xuất hai bên có thể thiết kế những khóa học, chương trình xây dựng hình hình ảnh quốc gia với sự giúp đỡ của các chuyên gia Australia hoặc tổ chức thêm các buổi tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm…
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski. (Ảnh: Mai Anh) |
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định Australia sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc cung cấp dữ liệu, tương tác về công nghệ cũng như hỗ trợ Việt Nam đào tạo sử dụng các nền tảng công nghệ số. Từ đó không chỉ giải quyết vấn đề ngoại giao mà còn nhiều vấn đề chung cả hai nước cùng quan tâm như: nông nghiệp, y tế…
“Nếu không tự kể được câu chuyện của mình thì người khác sẽ kể thay chúng ta dù chúng ta có thích hay không. Chính vì vậy, Việt Nam cũng như Australia cần độc lập, chủ động trong việc sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để truyền đạt thông điệp lan tỏa sức mạnh mềm, tiếp cận với công chúng một cách hiệu quả nhất”, Đại sứ Andrew Goledzinowski nói.
Ngoại giao văn hóa - “sức mạnh mềm” của mọi thời đại Nhờ giao lưu văn hóa đúng hướng mà các nước chậm phát triển có cơ hội trở thành nước phát triển trong thời gian ngắn. |
Cần chiến lược bài bản tăng cường “sức mạnh mềm” Việt Nam Đây là đề xuất của ông Vương Thừa Phong, nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tại tọa đàm chuyên gia: “Những vấn đề đặt ra về đối ngoại và xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức chiều 27/4 tại Hà Nội. |