Startup du lịch Việt Nam được tài trợ hơn 10 tỷ VNĐ
Vợ chồng Hải Hồ và Hà Lâm bắt đầu dự án khởi nghiệp du lịch Triip tại Việt Nam vào thời điểm đầu tư khó khăn, chính phủ không hỗ trợ vốn và nhiều công ty chao đảo sau khi nhận được tiền đầu tư.
"Năm 2014, dự án không có đủ vốn để xây dựng một đội ngũ nhằm thúc đẩy sự phát triển. Sau khi khởi tạo hơn 1 năm, chúng tôi quyết định bán nhà của mình. Đó thực sự là một quyết định khó khăn như khi chúng tôi có 2 con nhỏ.", anh Hải nhớ lại.
Hà Lâm (phía trước, giữa) cùng chồng Hải Hồ (bên trái) – người đồng sáng lập và các cộng sự Triip.me ở phía sau
Vừa qua, quỹ đầu tư Gobi Partners ở Thượng Hải quyết định hỗ trợ hơn 10 tỷ VNĐ (500.000 USD) cho dự án khởi nghiệp du lịch này. Gobi Partners là đơn vị có danh mục đầu tư vào hơn 130 công ty tại Trung Quốc và Đông Nam Á.
Ý tưởng kinh doanh thực sự bắt đầu với Hà Lâm khi cô còn đang học đại học và làm thêm công việc hướng dẫn viên du lịch để thực hành tiếng Anh. Sau 4 năm, tour du lịch tham quan TP. HCM của cô và bạn bè được TripAdvisor xếp hạng là một trong những hoạt động hàng đầu khi đến thành phố này. Để biến ý tưởng thành một doanh nghiệp, Hà Lâm và Hải Hồ cùng bạn bè của mình thành lập công ty vào năm 2013.
Triip sử dụng mô hình giống như Airbnb, có nghĩa là dùng nguồn lực của cộng đồng để xây dựng các tour du lịch trên toàn thế giới. Mô hình này cho phép bất kỳ người nào cũng có thể tạo ra các tour du lịch và bán cho du khách. Điểm khác so với các tour du lịch quen thuộc là cá nhân có thể tự tạo ra các tour du dịch bằng cách thiết kế hành trình/điểm đến mang dấu ấn của mình, thể hiện tri thức cùng sự thấu hiểu về địa phương của họ. Theo đó, những người này được Triip gọi là "Triip Creators". Các tour du lịch do cộng đồng đóng góp sẽ mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo nhất từ Triip.
Với nguồn tài trợ 10 tỷ đồng, Triip dự kiến sẽ phát triển quảng cáo kỹ thuật số và thu hút nhiều khách hàng hơn nữa trong thời gian tới
Triip bắt đầu với các tour du lịch địa phương ở Việt Nam – một thị trường du lịch mới nổi. Đến nay, Triip đã có mặt tại 86 quốc gia với 5.000 trải nghiệm du lịch được cung cấp bởi hơn 9.000 Triip Creators (tại thời điểm tháng 12/2014, Triip chỉ có ở 10 quốc gia và cung cấp 300 tour du lịch).
Tuy nhiên, ứng dụng này cũng gặp không ít khó khăn. Yếu tố an toàn chính là mối lo ngại lớn nhất khi thực hiện mô hình kinh doanh từ cộng đồng. Anh Hải cho biết: "Triip phải đảm bảo rằng tất cả các tour du lịch xuất hiện trên ứng dụng đều an toàn bởi công ty sẽ kiểm tra chặt chẽ các hướng dẫn viên du lịch."
Để tham gia vào ứng dụng này, các hướng dẫn viên địa phương phải nộp bản sao giấy tờ cá nhân cần thiết như: hộ chiếu và CMND. Triip sẽ theo dõi vị trí của các tour du lịch thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Đồng thời, ứng dụng này có hệ thống đánh giá 2 chiều nhằm loại bỏ các khách du lịch hoặc hướng dẫn viên có hành vi xấu.
Ngoài ra, Triip cung cấp dịch vụ “bảo lãnh”, có nghĩa là du khách chỉ phải trả tiền sau khi tour du lịch kết thúc. Số tiền này sẽ được Triip trả cho các hướng dẫn viên du lịch 90% và giữ 10% phí dịch vụ.
Sau khi nhận được gói đầu tư trị giá hơn 10 tỷ VNĐ từ Gobi Partners, Triip sẽ mở rộng phạm vi kinh doanh và tuyển thêm người cho các thị trường mới. "Số tiền tài trợ hiện tại sẽ cho phép chúng tôi chạy hết công suất trong vòng 18 tháng", anh Hải cho biết thêm.
Bên cạnh đó, công ty đang trong giai đoạn làm ăn thuận lợi và chưa mất phí cho việc quảng cáo. Tháng 6/2015, Triip chỉ thu về khoảng 1.000 USD/tháng nhưng đến tháng 2/2016, doanh thu đã đạt 10.000USD, với mức tăng trưởng 100% mỗi tháng.
Với nguồn tài trợ này, Triip sẽ phát triển quảng cáo kỹ thuật số và thu hút nhiều khách hàng hơn nữa. Việc hợp tác với Gobi Partners sẽ bổ sung kiến thức và kinh nghiệm trên lĩnh vực du lịch cho Vợ chồng Hải Hồ và Hà Lâm cùng các cộng sự trong thời gian tới.
Nguyên Vũ