Sơ cứu khi trẻ bị động vật cắn
Chiều 6/10, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp nhận 1 trường hợp bé T.T.T (3 tuổi rưỡi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) bị chó nhà cắn. Bé bị tổng cộng 19 vết rách lớn nhỏ bên má trái. Trong đó có 4 vết rách rất sâu, có những vết rách đứt lìa môi dưới, làm thủng tuyến mang tai. Các bác sĩ đã phải khâu gần 200 mũi để xử lý vết thương trên mặt bé T.
Trước đó đã có nhiều trường hợp trẻ bị động vật như chó, mèo, rắn... cắn. Thậm chí có trường hợp 1 bé trai 4 tuổi tại Củ Chi, TP.HCM, đã tử vong do bị chó dữ tấn công với nhiều vết thương nặng ở mặt, ngực, mông, đầu.
Chó, mèo cắn rất nguy hiểm cho trẻ cũng như người lớn
Theo Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, khi bị chó cắn, ngoài ảnh hưởng thẩm mỹ và sức khỏe, nó còn có thể gây ra bệnh dại (bệnh viêm não tủy cấp tính) do virus dại. Virus dại thường lây sang người qua vết cắn, nhiều nhất là do chó và mèo cắn. Ngoài ra, nó còn lây qua người qua vết cắn của chồn, dơi, gấu, chuột, sóc, chó rừng... Người bị nhiễm virus này sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời.
1. Khi bị chó, mèo cắn
– Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.
– Băng ép cầm máu nếu có tổn thương chảy máu nhiều, nhưng không nên băng quá kín nếu không chảy máu.
– Đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm vắc xin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10 – 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm vắc xin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm vắc xin.
Đối với các trường hợp bị cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; hoặc có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu thì phải tiêm đồng thời cả vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Tiêm ngừa dại trong những trường hợp bị vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó hoặc con chó đang bị ốm.
Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm vắc xin. Khi tiêm vắc xin dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại vắc xin, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.
Cần rửa sạch vết cắn bằng xà phòng để sát trùng
2. Khi bị rắn độc cắn
– Nới lỏng quần áo của bé và đưa bé vào chỗ có bóng râm.
– Để bé nằm yên, hạn chế bé cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc đọc đến tim nhanh hơn.
– Rửa sạch vết cắn bằng nhiều nước (nước muối, xà phòng hoặc thuốc sát khuẩn vết thương nếu có) để loại bỏ nọc độc.
– Chườm nước đá ở vết cắn. Cởi bỏ quần áo, đồ trang sức ở vùng vết cắn, vì có thể gây chèn ép sau này khi vết cắn sưng phù.
– Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu. Rửa sạch và băng bó vết thương cẩn thận để không tạo áp suất và gây bầm tím.
– Nhanh chóng chuyển bé tới bệnh viện. Cần giữ cho bé nằm yên trong suốt thời gian vận chuyển, để vị trí vết cắn thấp hơn so với tim để hạn chế sự lan toả nhanh chóng của nọc độc.
Khi bị rắn cắn cần cố định vết thương cho bệnh nhân
3. Khi bị ong đốt
– Lấy bỏ ngòi cắm của con ong trên da bằng cách dùng một nhíp nhỏ để gắp hoặc dùng 1 vật có bờ sắc để gạt nhẹ ngòi ong. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
– Rửa vết đốt bằng nước và xà phòng.
– Đặt miếng gạc ẩm, lạnh lên chỗ bị đốt. Nếu có sẵn nước đá lạnh cuốn vào trong một miếng vải đắp lên chỗ bị đốt để giảm sưng đau.
– Cho nằm nghỉ ngơi nơi mát, uống nhiều nước.
– Khi có nhiều biểu hiện đỏ da, mề đay, ngứa lan rộng toàn thân và có các dấu hiệu dị ứng, nhiễm độc như nôn mửa, hốt hoảng, bồn chồn, kích thích vật vã, tức ngực, khó thở… cần chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.
Bảo An