Sếp nước sạch sông Đà "phủi" trách nhiệm, nữ tướng nước mặt sông Đuống bỗng nổi danh
Ông chủ 8X của nước sạch sông Đà kiếm siêu lợi nhuận
Với 60,46% cổ phần, Gelex tự tin cho biết đang sở hữu chi phối Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco), đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.
Chủ tịch của Năng lượng Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn - doanh nhân 8X nổi tiếng trong giới tài chính. Ông Tuấn sinh năm 1984, tại Hà Nam. Xuất thân từ ngành tài chính - ngân hàng, ông Tuấn sớm nổi tiếng trên thương trường với những thương vụ M&A đình đám như vụ mua cổ phần thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam từ Bộ Công Thương. Trước đó là Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CAV)…
Hiện, doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn nắm giữ nhiều chức vụ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.
Đại gia trẻ tuổi Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Vietnamfinance. |
Gelex đang tập trung kinh doanh nhiều ngành nghề: Đầu tư sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo; đầu tư thuỷ điện; đầu tư khai thác và cung cấp nước sạch phục vụ đô thị với trọng điểm là Dự án nước sông Đà... và mới đây là bất động sản.
Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của doanh nghiệp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 263,7 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018.
Giá vốn tăng, song Viwasupco vẫn đạt được 150,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.
Năm 2018, Công ty Nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về công ty lại lãi 1 đồng.
Sếp phó nước sạch sông Đà không chịu xin lỗi vụ nước nhiễm bẩn
Cũng liên quan tới Công ty nước sạch sông Đà, chiều 17/10, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TP. Hà Nội.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho biết đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về vụ việc.
Theo đó, kết quả xét nghiệm nước ngày 14/10 cho thấy nước sạch sông Đà đã đạt tiêu chuẩn. Căn cứ vào kết quả này, lãnh đạo TP. Hà Nội đã chỉ đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà cấp nước lại ngay cho người dân.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà. Ảnh: Minh Tuệ. |
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà lại khuyến cáo: "Hiện tại nước cung cấp chỉ với mục đích để tắm rửa chứ chưa dùng để ăn uống".
Trước câu hỏi của báo chí, cho đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa có lời xin lỗi tới người dân, ông Nguyễn Đăng Khoa cho rằng: "Việc này chúng tôi sẽ ngồi lại để xem xét trách nhiệm cụ thể. Hôm nay công an đã có quyết định khởi tố vụ án, khi nào có kết luận chính thức chúng tôi sẽ có thông báo lại.
Lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà một lần nữa khẳng định "tất cả phải chờ quyết định cuối cùng của cơ quan chức năng" khi PV hỏi "như vậy tức là có kết quả mới xin lỗi hay sẽ xin lỗi bây giờ?".
Khi được hỏi về việc đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống trong những ngày qua do nguồn nước sạch bị nhiễm dầu, lãnh đạo Phó GĐ không đưa ra được phương án. Ông này cho biết: "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất, rất mong thời gian sắp tới công an sẽ tìm ra thủ phạm gây ra vụ nhiễm dầu".
Shark Liên - nữ tướng đa tài của nước sạch sông Đuống
Trong lúc nước sạch sông Đà đang gặp hạn, nước mặt sông Đuống có nhiều cơ hội chiếm "thị phần"?
Nhà máy nước mặt sông Đuống là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm). Nhà máy thuộc sở hữu của Tập đoàn AquaOne dưới quyền nữ tướng - Chủ tịch Đỗ Thị Kim Liên.
Bà Đỗ Thị Kim Liên trước đó đã nổi danh trong ngành bảo hiểm. Cùng chồng mình là ông Lê Toàn (hiện là Chủ tịch HĐQT của Vungtau Shipyard), bà Liên đã sáng lập và điều hành Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA trước khi nhượng lại cho Tập đoàn AIG của Australia năm 2013.
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước mặt Sông Đuống |
Sau đó, ông bà thành lập Tập đoàn AquaOne hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực nước sạch và BOT. Tập đoàn AquaOne là một nhóm doanh nghiệp có hạt nhân là Công ty cổ phần Nước AquaOne (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng). Dù không được biết đến nhiều, song tập đoàn này đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Có thể kể tên nhiều dự án lớn của tập đoàn: Cảng Cái Mép Hạ; BOT Quốc lộ 14; BOT Quốc lộ 22&22B với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Nhà máy nước Sông Hậu có vốn 2.000 tỷ đồng. Tại Hà Nội, AquaOne có dự án Xây dựng hệ thống cấp nước tại thị trấn Xuân Mai và dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Mỗi dự án có vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng.
Đồng thời, tập đoàn của vợ chồng bà Đỗ Thị Kim Liên cũng là cổ đông chiến lược tại nhiều công ty cấp thoát nước tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Mặc dù rút hết vốn khỏi Bảo hiểm AAA từ năm 2013, tuy nhiên bà Đỗ Thị Kim Liên cùng Aqua One vẫn ít nhiều liên quan tới mảng này. Em gái bà Liên - bà Đỗ Thị Minh Đức hiện là Chủ tịch HĐQT, sở hữu 87% vốn tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Bà Đỗ Thị Minh Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn AquaOne.
Ông Phạm Nhật Vũ được xem xét giảm nhẹ tội vụ MobiFone mua AVG
Trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, bị can Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch AVG bị truy tố về tội đưa hối lộ vì đã "lại quả" cho hai cựu bộ trưởng và lãnh đạo MobiFone hàng triệu USD. Đáng chú ý, bị can đã được xem xét giảm nhẹ tội vì nhiều lý do.
Theo cáo trạng vừa được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ngày 19/10, trước khi khởi tố vụ án, Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone gồm gần 8.500 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và hơn 329 tỷ đồng tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án.
Ông Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của ông Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra - cáo trạng nêu rõ.
Ông Phạm Nhật Vũ tại một hội nghị của Truyền hình An Viên (AVG) |
Bên cạnh đó, bị can Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công cũng như hậu quả của vụ án. Do đó không xử lý trách nhiệm của Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, bị can Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Bị can Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương có đơn đề nghị xem xét cho ông Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Do đó, với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, viện kiểm sát cho rằng cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ của bị can Phạm Nhật Vũ.
Tỷ phú Jack Ma: Phụ nữ là bí mật thành công của Alibaba
Chia sẻ tại hội nghị CEO toàn cầu do Forbes tổ chức hôm 15/10 tại Singapore, cựu CEO Alibaba Jack Ma đã dành những lời "có cánh" để nói về phái yếu, đặc biệt là sự đóng góp của những người phụ nữ cho thành công của Alibaba và cá nhân ông.
"Như đã nói, luôn có một người phụ nữ mạnh mẽ đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt. Còn tôi thì có rất nhiều người phụ nữ mạnh mẽ đứng phía sau ủng hộ. Tôi sẽ luôn cảm ơn họ... Phía sau thành công của tôi có rất nhiều người phụ nữ ủng hộ" - tỷ phú người Trung Quốc cho hay.
Theo Jack Ma, phụ nữ có nhu cầu chăm sóc nhiều hơn nam giới. Hơn 60% người tiêu dùng của Alibaba là phụ nữ, nhưng họ mua đồ cho chồng, cha mẹ và con cái. Còn đàn ông chỉ mua đồ cho bản thân.
Jack Ma và vợ mình, bà Trương Anh |
Jack Ma cho biết ông thực sự đánh giá cao phụ nữ bởi họ luôn biết cách động viên mỗi khi đàn ông chịu áp lực: "Phụ nữ sẽ nói: Chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện, hãy đeo bám và đặt hết tâm trí vào mục tiêu ban đầu".
Tỷ phú 55 tuổi này tin rằng rất khó để thuyết phục một người phụ nữ tin vào mục tiêu. Nhưng một khi bạn thuyết phục thành công một người phụ nữ, họ sẽ bám sát mục tiêu này và rất trung thành. Còn đàn ông thì "đến nhanh đi nhanh", vì vậy mọi thứ được cân bằng.
Jack Ma tiết lộ phụ nữ chính là bí mật thành công của Alibaba. Theo ông, 34% giám đốc điều hành của tập đoàn là nữ, trong khi số nhân viên nữ cũng chiếm tỷ lệ 47%.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên cựu CEO Alibaba ngợi khen phụ nữ. Trong nhiều cuộc trò chuyện, ông từng tuyên bố "nửa đùa nửa thật": "Bí mật để thành công của tôi chính là ở nhà thì nghe vợ, ở công ty thì nghe các đồng nghiệp nữ".
Từ bỏ Facebook, Moskovitz lọt top 400 người giàu nhất nước Mỹ
Trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố, nhà sáng lập Asana và đồng sáng lập Facebook - Dustin Moskovitz (35 tuổi) xuất hiện lần đầu và là người có một trong những câu chuyện khởi nghiệp đáng chú ý nhất.
Công ty phần mềm quản lí công việc Asana của anh hiện đang đứng thứ 41 trong danh sách The Cloud 100 của Forbes (100 công ty tư nhân dẫn đầu trong mảng điện toán đám mây). Asana hiện được định giá 1,5 tỷ USD - con số mơ ước với bất kỳ startup nào.
Điều thú vị là Moskovitz thực ra lại không nhất thiết phải đương đầu với nhiều khó khăn như vậy. Sở dĩ là anh có thu nhập hàng tỷ USD từ việc đồng sáng lập Facebook nhưng anh đã rời bỏ MXH này để khởi nghiệp, thay vì chọn cách nghỉ hưu.
Moskovitz (trái) cùng Mark Zuckerberg là đồng sáng lập Facebook |
Theo thống kê, trước khi Facebook tiến hành IPO, Moskovitz nắm giữ gần 134 triệu cổ phiếu công ty (khoảng 7,6% cổ phần). Tổng tài sản mà anh sở hữu trước khi Facebook phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu là hơn 4 tỷ USD. Còn giờ đây, con số đó đã tăng lên 11,6 tỷ USD.
Được làm việc đối với Moskovitz giống như là một niềm hạnh phúc. "Nó là một loại cảm giác vô cùng hiển nhiên. Chắc chắn rằng tôi sẽ đi làm mỗi ngày. Thật may rằng chúng tôi không bị bất cứ thứ gì làm sao nhãng trong lúc hoạt động" - tỷ phú này chia sẻ.
Moskovitz vẫn ngồi làm việc cùng nhân viên, không sử dụng văn phòng riêng. Anh cũng không có tuỳ tùng đi cùng, ăn mặc giản dị và trông chẳng có vẻ gì là ông chủ của một công ty tỷ đô.
Mark Hurd, CEO Oracle qua đời tuổi 62
Ông Mark Hurd dẫn dắt Oracle cùng với bà Safra Catz từ năm 2014 nhưng thông báo nghỉ ốm từ tháng 9/2019. Ngày 18/10, công ty thông báo ông qua đời ở tuổi 62. Ông có một vợ và hai con gái.
Mark Hurd sinh ngày 1/1/1957 tại Manhattan, New York, Mỹ. Ông học trung học tại Miami, Floria và tốt nghiệp năm 1975. Ông theo học đại học Baylor tại Texas nhờ học bổng Tennis, ra trường với bằng quản trị kinh doanh năm 1979.
Sau đó, ông trở thành nhân viên bán hàng tại NCR, công ty chuyên về hệ thống bán hàng POS và ATM. Làm việc tại NCR 25 năm, Mark Hurd kinh qua nhiều vị trí: Quản lý, điều hành, bán hàng, tiếp thị.
Chân dung tỷ phú Mark Hurd |
Năm 2001, ông được bầu làm Chủ tịch NCR. Năm 2002, ông trở thành Giám đốc điều hành (COO) công ty. Tới năm 2003, ông được cất nhắc làm CEO và ở đây tới năm 2005.
Rời NCR, ông Hurd gia nhập gã khổng lồ máy tính HP, thay thế CEO Carly Fiorina năm 2005. Ông là một trong các CEO đầu tiên của HP giữ cả chức Chủ tịch.
Nhờ tài năng lãnh đạo của Mark Hurd, HP dần trở thành thế lực lớn trên thị trường điện toán thông qua máy tính cá nhân, laptop, máy in gia đình. Trong 5 năm dưới thời Mark Hurd, HP luôn chứng kiến doanh thu tăng ổn định.
Suốt thời gian tại HP, doanh nhân này luôn xuất hiện trong danh sách Doanh nhân quyền lực của Fortune, CEO của năm của San Francisco Chronicle, CEO hàng đầu của Forbes. Tháng 8/2010, ông từ chức CEO HP sau khi bị một nhân viên hợp đồng tố cáo xúc phạm giới tính.
Một tháng sau, ông được mời về Oracle làm đồng Chủ tịch với Safra Catz. Ông và bà Catz tiếp tục được bổ nhiệm làm CEO năm 2014 sau khi CEO Larry Ellison từ chức. Từ đó, Oracle thay đổi cấu trúc bán hàng, bắt đầu quy trình chuyển sang đám mây.
Xem thêm:
Tiết kiệm để thành tỷ phú, tại sao không? Xây dựng thói quen tiết kiệm từ đầu không những giúp người trẻ ổn định tài chính, theo đuổi đam mê, các hoạt động xã ... |
Chuyện lạ ở ngôi nhà 2 tỷ USD đắt nhất thế giới Ngôi nhà đắt giá nhất thế giới mang tên Antilia có giá trị "vỏn vẹn" 2 tỷ USD với 600 nhân viên phục vụ được ... |
Forbes: Ông Phạm Nhật Vượng vào TOP 200 người giàu nhất hành tinh Tạp chí Forbes vừa cập nhật danh sách tỷ phú thế giới ở thời điểm hiện tại, và với khối tài sản 8,25 tỷ USD, ông chủ ... |
Bí mật "Tầng lớp 1%" siêu giàu trên thế giới Những phân tích, thống kê chi tiết về tầng lớp thượng lưu, siêu đại gia 1% toàn thế giới cho thấy nhiều sự thật thú ... |
Choáng với cuộc sống của những tiểu tỷ phú đi nghỉ bằng siêu du thuyền, có sở thú riêng Đối với một số đứa trẻ đẻ ra đã ở vạch đích, những ngày nghỉ học của chúng thường liên quan đến việc đi ngao ... |