Sẽ khai trừ Đảng, buộc thôi việc nữ trưởng phòng xinh đẹp dùng bằng giả ở Tỉnh ủy Đắk Lắk
Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đưa ra quyết định và thực hiện các quy trình để khai trừ Đảng, cách chức và buộc thôi việc đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) |
Liên quan đến vụ nữ trưởng phòng xinh đẹp học hết cấp 2 dùng bằng giả để thăng tiến, vào sáng 5/10, một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xử lý nghiêm đối với bà Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk do sử dụng bằng cấp 3 và tên tuổi của chị gái để công tác.
Hiện Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đang làm các quy trình để khai trừ Đảng, cách chức và buộc thôi việc đối với người này, báo Người Lao Động thông tin.
"Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã họp và thống nhất xử lý nghiêm sự việc theo quy định vì đây là cơ quan trọng yếu, cơ mật. Bên cạnh đó, hiện nay đang làm quy trình kiểm điểm trách nhiệm từ người giới thiệu, người đi thẩm tra, xác minh lý lịch để kết nạp Đảng, xem xét việc bổ nhiệm có đúng quy trình hay không" – ông Hải trả lời PV Người Lao Động.
Trước đó, vào ngày 4/10, sau khi sự việc bị phát giác, bà Thảo đã thừa nhận việc làm giả hồ sơ từ ban đầu và nói rất xấu hổ nên xin nghỉ phép, đồng thời đã gửi đơn xin thôi việc.
Tuy nhiên, Văn phòng Tỉnh uỷ chưa chấp nhận cho nghỉ việc vì phải xử lý triệt để các sai phạm của bà Thảo cũng như những người liên quan đến việc đề xuất, cất nhắc.
Bà Thảo đã dùng bằng tốt nghiệp PTTH của chị gái để học hành và thăng tiến (Ảnh: Tiền Phong) |
Ngoài ra, vị lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk này cũng cho biết sẽ rà soát lại quy trình công tác và bổ nhiệm của nữ trưởng phòng xem sai do cố tình hay vô ý rồi đưa ra hướng xử lý đối với những cá nhân, tập thể liên quan.
"Sự việc này diễn ra từ các nhiệm kỳ trước nên cần rà soát lại các bước để đưa ra hướng xử lý thích hợp" - lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk nói.
Trước đó, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng trả lời PV Tuổi Trẻ về vấn đề xác minh các giấy tờ và thông tin thực của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo), theo ông, trong suốt một thời gian dài, bà Thảo dùng bằng cấp, giấy tờ mang tên Ái Sa. Đây là những bằng cấp thật, bà Thảo đi học thật nên việc xác minh gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ thế, ông Hải cũng nhấn mạnh việc mới sang Văn phòng Tỉnh ủy từ đầu tháng 10/2019 và lúc ông còn làm ở Ban tổ chức Tỉnh ủy đã có nhận được đơn tố cáo bà Ái Sa dùng tên, hồ sơ giả để thăng tiến. Thực tế nếu không bị tố cáo, bà Thảo cũng thuộc diện phải rà soát về tiêu chuẩn cán bộ theo hướng dẫn của trung ương.
"Mới đây, khi nhận đơn nặc danh, chúng tôi mới biết, tiến hành xác minh và mới 'lòi' ra việc bà Thảo làm giả hồ sơ. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi trong công tác rà soát, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Tới đây, Tỉnh ủy cũng sẽ có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu phải chặt chẽ hơn trong việc theo dõi hồ sơ cán bộ", báo Tuổi Trẻ dẫn lời chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Quá trình công tác của bà Trần Thị Ngọc Thảo Năm 1992-2002, bà Thảo đã lấy bằng tốt nghiệp THPT của chị gái mình là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa để xin vào làm nhân viên hợp đồng tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Công ty Xuất nhập khẩu 2/9. Sau đó, bà Thảo sử dụng bằng này đi học trung cấp kế toán. Từ năm 2005 - 2009, bà Thảo học từ xa trường ĐH Đà Nẵng chuyên ngành kế toán với tên của chị gái. Từ năm 2005-2011, bà Thảo xin vào làm kế toán ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tháng 10/2009, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận về làm kế toán ở Phòng quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy. Từ năm 2013-2016, bà Thảo lần lượt được bổ nhiệm qua các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản trị. Thông tin về việc bà Thảo trước kia làm tại tiệm tóc đã được cơ quan chức năng Đắk Lắk phủ nhận. |