Sẽ có thêm 9,6 triệu đô la Mỹ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài viện trợ cho Thanh Hóa
Tại Hội nghị có 6 tổ chức PCPNN gồm: Freundeskreis fur International Tuberkulosehilfe – FIT; Good Neighbors Quốc tế tại Việt Nam – GNI, Sáng kiến thương mại bền vững – IDH; Phát triển Hà Lan – SNV, Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam - WVI, Trung tâm nghiên cứu và truyền thông vì sự phát triển bền vững – CSD ký kết viện trợ khoản ngân sách nêu trên.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đại diện một trong 6 tổ chức PCNN nước ngoài (Ảnh: Thu Hà). |
Thời gian tới, CSD dự kiến triển khai dự án “Phát triển mô hình trường học hữu nghị thân thiện với ngân sách dự kiến hơn 54.000 đô la Mỹ. Tổ chức FIT dự kiến triển khai dự án Hoạt động phối hợp y tế công - công, công – tư, dự án Lồng ghép các bệnh không lây nhiễm với bệnh lao với ngân sách dành cho tỉnh Thanh Hóa là 200.000 đô la Mỹ. Tổ chức Tầm nhìn thế giới dự kiến triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng ngân sách trên 7,6 triệu đô la Mỹ. Tổ chức GNI dự kiến triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc giai đoạn 2023-2027” với tổng giá trị cam kết trên 1,3 triệu đô la Mỹ.
Cũng trong giai đoạn 2023-2025, tổ chức IDH sẽ triển khai chương trình an toàn công trình nhà máy dệt may và da giầy (LABS), dự án sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn với ngân sách dành cho tỉnh Thanh Hóa dự kiến 560.000 đô la Mỹ. Giai đoạn 2022-2026, tổ chức SNV triển khai dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” với tổng ngân sách cam kết 325.000 đô la Mỹ.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thị Thu Hằng - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong giai đoạn 2020 - 2022, giá trị giải ngân của tỉnh đạt 21,6 triệu đô la Mỹ. Trung bình mỗi năm Thanh Hóa nhận được 7,2 triệu đô la Mỹ. Năm 2022 có 57 tổ chức với 48 chương trình, dự án/phi dự án thực hiện tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, đáp ứng trực tiếp, kịp thời nhu cầu cơ bản của người được hưởng lợi, nhất là các đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội, mà các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chương trình mục tiêu, giảm nghèo chưa vươn tới được và có sự hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa mong muốn các cơ quan Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tổ chức PCPNN và của Việt Nam… tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện nhiều chương trình, dự án mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ông Thi cũng mong muốn các dự án tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: y tế; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; bảo vệ môi trường, nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; giải quyết các vấn đề xã hội…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VUFO, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN cho biết: Quá trình hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với đại diện các tổ chức PCPNN trong 3 năm qua, dù có những thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VUFO, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Thu Hà). |
Nhằm tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức PCPNN, thu hút viện trợ PCPNN để phục vụ quyền lợi của người dân, ông Phan Anh Sơn đề nghị PACCOM phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo tập trung vào các tổ chức PCPNN đã có địa bàn hoặc đăng ký hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa để cung cấp thông tin về các tổ chức PCPNN, địa bàn, lĩnh vực hoạt động tại địa phương; phân tích mô hình nào tốt, dự án nào hiệu quả để làm tiền đề cho việc thực hiện các dự án tiếp theo.
Ông Phan Anh Sơn cũng đề nghị Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa đóng vai trò cầu nối giải quyết; báo cáo UBND tỉnh các trường hợp cần thiết để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan tới phê duyệt dự án, tiến độ... Đồng thời, báo cáo lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương cùng với các tổ chức PCPNN tiếp nối, duy trì các chương trình, dự án có hiệu quả lâu dài. Nếu các tổ chức PCPNN gặp vướng mắc thì thông tin cho cơ quan thường trực hoặc các đầu mối công tác. Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN sẽ có trách nhiệm trao đổi với các bộ, ngành để đôn đốc giải quyết, tháo gỡ kịp thời.