Say rượu vẫn lái xe: Cánh đàn ông nói gì?
Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 người phụ nữ tử vong tại hầm Kim Liên ngày 1/5. (Ảnh: Oto+) |
Khoảng 0h sáng ngày 1/5, chiếc xe ô tô Mercedes màu trắng lao vun vút qua hầm Kim Liên (Hà Nội), tông mạnh vào chiếc xe máy đi cùng chiều khiến 2 người phụ nữ trên xe tử nạn thương tâm. Tại cơ quan điều tra, nam tài xế khai nhận đã uống 6 chai bia và có uống rượu, lái xe trong tình trạng không còn tỉnh táo. Vụ tai nạn thương tâm với nguyên nhân do tài xế uống rượu bia đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và phản đối trong dư luận.
Đây không phải vụ tai nạn giao thông đầu tiên xảy ra do tài xế vi phạm nồng độ cồn. Trước đó, nhiều vụ việc thương tâm tương tự khiến nhiều người mất mạng, nhiều gia đình mất người thân, nhiều đứa trẻ mất bố mất mẹ, lâm vào cảnh mồ côi khổ sở.
Gần nhất, tại Hà Nội, đêm 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều cốc bia đã lái xe ôtô 7 chỗ tông ngã chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Vụ tai nạn khiến chị Hà tử vong tại chỗ. Được biết, nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên ở mức 1,041 mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4mg/lít) theo Nghị định 46.
Hình ảnh đau xót khi con trai nữ công nhân môi trường gục khóc bên thi thể mẹ trong vụ ô tô tông liên hoàn ở Hà Nội mới đây. |
Trước đó trưa 11/4 tại Bình Định, khoảng 10 người trong Đội dịch vụ tang lễ Văn Thứ ngồi chờ khiêng hòm đám tang ở đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn thì bị xe Lexus 7 chỗ do tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) lao thẳng vào khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Chiếc xe gây tai nạn chạy đi khoảng 100 m mới dừng lại và nguyên nhân cũng lại do tài xế đã lái xe trong tình trạng say xỉn.
Say rượu vẫn lái xe không đơn thuần là vấn đề mà các nhà làm luật phải quan tâm mà nó thực sự trở thành vấn nạn nhức nhối, gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Trước vấn nạn này, cánh đàn ông đã lên tiếng và chia sẻ quan điểm.
Trên trang cá nhân, nhà báo Phạm Gia Hiền viết: “Tôi cũng đi nước ngoài kha khá, chưa từng thấy nước nào ép rượu ép bia. Thậm chí trước khi rót người ta còn hỏi mình có uống không, rồi mới rót. Kể cả những nước còn nghèo như Lào, Campuchia, Myanmar… cũng không lấy nhậu nhẹt làm đầu, không ép ai, và uống không bễ như nhà mình. Mới thấy là cái thói nhậu nhẹt của Việt Nam bây giờ không xứng đáng được gọi là “văn hóa uống rượu”.
“Đã uống thì uống cho đã. Đồng ý. Một đôi khi tôi muốn say, tôi uống đến khi nào lăn ra ngủ thì thôi. Nên khi đã muốn say, ít khi tôi uống ngoài quán. Uống ở nhà mình hoặc nhà bạn, xác định say thì ngủ.
Còn nếu uống rồi vẫn phải về, thì bỏ ra dăm chục một trăm, đi taxi.
Cách duy nhất để bỏ cái trò say rượu lái xe, đó là phạt nặng, thế thôi…Chuyện này nói mãi rồi, thứ nhất, chẳng qua vì phạt không nặng, nên mãi vẫn nhờn.
Thứ 2, là vì bọn uống say bét nhè mà leo lên xe, vẫn được người ta nhìn nhận như con người.
Uống rượu say còn lái xe à? Lẽ ra đấy không phải là một chủ đề để bàn luận”.
"Cái thói nhậu nhẹt của Việt Nam bây giờ không xứng đáng được gọi là “văn hóa uống rượu”. |
Trong khi đó, tài khoản Vinh Trần khẳng định “bia rượu quá chén, không nên lái xe, đó là tội ác” và nói thêm: “Nhiều người vẫn lái xe sau khi say sỉn, nhiều người vẫn phàn nàn phản đối công an cắm chốt đo thổi nồng độ cồn và phạt quá nặng. Đến khi chính mình là nạn nhân hoặc thủ phạm trong một vụ tai nạn giao thông vì bia rượu mới hiểu được vấn đề, mới thấy là văn hoá bia rượu và chủ quan khi tham gia giao thông ở Việt Nam, mới thấy sự quản lý và chế tài cho việc giám sát này quá mềm mỏng, mới thấy quý trọng sức khoẻ, mạng sống của chính mình và mọi người mỗi khi cầm vô lăng”.
Tài khoản Cao Anh Tuấn nêu quan điểm ngắn gọn: “Chỉ vì rượu.. say rồi còn cầm lái để gây bao đau thương cho người vô tội. Văn hoá chuốc rượu, ép rượu của người Việt thực sự đáng lên án.. Hãy nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra khi cố chuốc thêm cho bạn mình 1 chén rượu hay khi cố nốc thêm rượu vào mồm để chứng tỏ mình là anh hùng bàn nhậu, là tửu lượng vô đối”.
Cộng đồng mạng đang lan truyền thông điệp phản đối hành động lái xe khi say xỉn. |
Tài khoản Nguyên Khanh nêu ra câu hỏi một cách cay đắng: “Vui với nhau thoáng chốc để rồi ám ảnh cả cuộc đời. Không lái xe sau khi uống rượu bia – ai cũng đã từng nghe nhưng mấy ai làm được. Sĩ diện ư, cả nể ư, gượng ép ư?”
Hiện tại, làn sóng phản đối uống rượu khi lái xe vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi càng ngày càng có nhiều người lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ. Cộng đồng mạng thậm chí còn đang kêu gọi nhau đồng loạt thay ảnh đại diện với mong muốn lan tỏa thông điệp “Say xỉn lái xe là tội ác", "Đã uống rượu bia không được lái xe".
Có lẽ đã đến lúc mọi người nhìn nhận đúng về văn hóa uống rượu bia và có ý thức nghiêm túc về việc bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như tính mạng của người khác.
Xem thêm:
Sau bia rượu là những vụ tai nạn chết người Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn Hà Nội và Quy Nhơn đã xảy ra liên tiếp 3 vụ TNGT nghiêm trọng khiến ... |
Lái xe trong tình trạng say rượu tại nước ngoài bị xử phạt nghiêm thế nào? TĐO-Tại một số nước, tiền phạt dành cho người lái xe sau khi sử dụng rượu bia có thể lên đến hàng nghìn USD ngay ... |
Hà Nội: Say rượu, người đàn ông chạy xe máy ra đường chặn xe, cầm gạch đập vỡ kính ô tô Điều khiển xe máy đi giữa đường, người đàn ông say rượu bất ngờ dừng xe, lao đến chặn đầu xe ô tô, dọa nạt ... |