Dù bận rộn với công việc dạy học nhưng chị Trần Thị Tâm luôn coi việc trồng rau quả trên sân thượng như cách thư giãn, "tập thể dục" cho cả trí óc lẫn chân tay.
Chị Trần Thị Tâm (31 tuổi) hiện đang sống cùng chồng và hai con gái tại Thành phố Quảng Ngãi. Chị là một giáo viên dạy Toán của một trường THCS gần nhà. Từ khi các con bắt đầu yêu thích những món ăn ngon mẹ nấu, đặc biệt là các món từ rau quả, chị Tâm dù bận rộn đến mấy cũng mong muốn được tự tay trồng nhiều loại rau sạch.
Với chị, động lực to lớn nhất chính là bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Vì thế khoảng sân thượng tầng 3 rộng 70m2 được chị tận dụng sân trước 25m2 để trồng rau. Phía sâu sau 45m2 là sân phơi và nơi tập thể dục cho cả nhà.
|
Chị Tâm là giáo viên dạy Toán tại một trường học thuộc thành phố Quảng Ngãi. |
|
Chị Tâm tận dụng 25m2 trên tổng diện tích 70m2 sân thượng để trồng rau. |
|
Chị chủ yếu trồng rau trong chậu nhựa. |
|
Bên cạnh là các thùng xốp. |
|
Rau quanh năm tươi tốt. |
|
Thu hoạch quả. |
|
Giàn khổ qua. |
Chị Tâm cho biết, khu trồng rau được chị đầu tư hệ thống kệ và giàn cho cây leo, xung quanh bao lưới mắt cáo bằng ni lông. Chị trồng 100% thổ canh, rau chủ yếu được trồng trong thùng nhựa thông minh hoặc thùng xốp to đặt trên kệ cao 0,8m.
Với khoảng sân thượng rộng rãi, thông thoáng này, chị Tâm bố trí được 6 kệ, 2 hàng kệ hai bên dùng để trồng cây leo giàn cho quả như mướp, khổ qua, bầu bí... Hàng kệ phía ngoài trồng hành lá, ớt, rau gia vị... Ngoài ra, 3 hàng kệ phía trong là nơi chị Tâm trồng luân phiên các loại rau ăn lá.
|
Ớt. |
|
Rau thơm. |
|
Khu vực trồng mướp. |
|
Rau tía tô. |
|
Diếp cá. |
|
Khổ qua. |
"Trước khi định trồng một loại cây rau nào mình thường tìm hiểu thật kĩ về điều kiện sinh trưởng, nước, ánh sáng, cách chăm sóc, cách thu hoạch, sau đó mới tiến hành trồng", chị Tâm cho hay.
Vì trồng rau 100% hữu cơ, ngày nào cũng thu hoạch rau hàng ngày nên không dùng phân hóa học và thuốc. Chị Tâm chọn cách tự ủ phân bằng rác nhà bếp, phân bò khô, bánh dầu đậu phộng để bón cho rau. Chị cũng tự ngâm rượu, gừng, tỏi, ớt để xịt phòng trừ sâu bệnh, 1 tuần xịt 1 lần. Rất nhiều rau bị rầy nhiều nên chị chọn cách nhổ bỏ. Sau đó rắc vôi bột để đất nghỉ khoảng 2 tuần rồi mới trồng lại.
Theo kinh nghiệm của chị, khâu trộn đất là quan trọng nhất. Chị Tâm trộn đất phù sa với rác nhà bếp, phân bò, ít bánh dầu đậu phộng. Sau đó mới gieo hạt, tùy theo từng loại mà cách trộn đất khác nhau. Chị áp dụng phương thức vừa nuôi trùn vừa trồng rau trong cùng một thùng nên đất rất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.
|
Ớt. |
|
Con gái chị hào hứng thu hoạch rau cùng mẹ. |
|
Hành. |
|
Rau húng. |
Đối với rác nhà bếp hàng ngày được chị Tâm phân làm 3 loại:
Một là nước vo gạo, vỏ cam, vỏ trái cây, cơm thừa. Chị đổ vào thùng 200L có gắn vòi ở phía dưới để lấy nước tưới rau, tuần tưới 1 lần.
Hai là vỏ chuối, vỏ trứng chôn trực tiếp vào thùng trồng cây mướp, bầu bí, khổ qua... (Cây cho quả). Chôn xa gốc khoảng 1,5 gang tay.
Ba là cuống rau, thân cành cây già trên vườn, chị đem ủ khô cùng với đất, nấm tricodema, dùng để trồng rau ăn lá.
Từ ngày trồng rau, gia đình chị Tâm không phải mua rau ngoài chợ. Chị chỉ chi một số tiền rất nhỏ không đáng kể để mua hạt giống. Hơn nữa, việc bón phân bằng rác nhà bếp vừa tận dụng rác thải sinh hoạt hàng ngày vừa cung cấp rau sạch cho gia đình, rất kinh tế, không tốn thời gian đi chợ, muốn ăn gì có thể lên vườn hái.
Vì có nhiều kinh nghiệm trồng rau quả, chị Tâm trồng đa dạng các loại rau. Chị ưu tiên trồng các loại cây trồng một lần ăn cả năm nên vườn rau trên sân thượng lúc nào cũng xanh mướt. Mỗi ngày, chị Tâm dành khoảng 1 giờ buổi sáng lên tưới rau, thụ phấn cho hoa, hái rau, bắt sâu. Buổi tối sau khi dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, chị lại tranh thủ lên vườn khoảng 1 tiếng để chăm sóc khu vườn nhỏ của gia đình mình.
Đôi khi, những lúc mệt mỏi hay căng thẳng đầu óc, chị lại lên vườn ngắm rau, làm đất, chăm sóc từng gốc cây. Nhờ có khu vườn nhỏ, cả gia đình luôn an tâm khi được thưởng thức thực phẩm sạch, đồng thời tạo không gian xanh mát, trong lành cho mọi người thư giãn đầu óc, trò chuyện, gần gũi với nhau nhiều hơn.