“Nông dân thành thị” trồng đủ các loại rau quả năng suất trên sân thượng ở Hải Dương
Sân thượng của gia đình chị Đoàn Non có diện tích chừng 30m2. Không gian đủ rộng để bà mẹ trẻ có thể thoải mái sắp xếp, “quy hoạch” đúng cách giúp các loại rau quả có thể phát triển tươi tốt.
Vì gia đình chị có diện tích đất ở chỉ đủ để xây nhà, mong muốn các con có thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày, người mẹ trẻ chọn cách tận dụng sân thượng để trồng các loại rau ăn. Phần diện tích còn lại là nơi chị tranh thủ thử nghiệm trồng các giống cây mới.
Bà mẹ trẻ bộc bạch: “Mình trồng rau cách đây khoảng 5 – 6 năm rồi. Mình ở quê thật nhưng chỉ có đất làm nhà, không có đất làm vườn trồng cây, trồng rau. Rau bán ngoài chợ giờ họ phun thuốc kích thích và bón phân hóa học rất nhiều nên ăn cũng thấy sợ. Vì thế, mình chọn cách trồng cây ăn quả và rau trên mái để phục vụ những bữa cơm hàng ngày, vừa đảm bảo vừa an toàn, nhất là khi nhà lại có trẻ nhỏ”.
Tuy làm vườn thời gian đầu chị Đoàn Non gặp nhiều khó khăn nhưng càng trồng, thấy được thành quả cũng như cảm nhận được sự an toàn cho sức khỏe của mọi người, chị lại càng có thêm động lực trồng them nhiều loại rau hơn nữa. Đôi lúc trồng nhiều thu hoạch ăn không hết, chị lại mang biếu ông bà bên cạnh nhà.Mỗi lần lên vườn, chị lại tỉ mẩn dọn dẹp, chăm sóc từng chậu rau, từng loại cây.Có khi mải miết quên cả thời gian. Khoảng sân thượng rộng 30m2 nhưng được trồng luân phiên nhau, vừa trồng cây vừa ươm cây nên thời gian dành cho công việc chăm sóc vườn luôn không bao giờ là đủ.
Xung quanh sân thượng được chị Đoàn Non bố trí trồng cây ăn quả để các cành, nhánh cây có thể vươn ra ngoài, không tốn diện tích sân thượng. Bên cạnh đó, vườn còn được chị làm hai giá sắt hình bậc thang, tầng trên giá trồng những loại cây ăn quả leo giàn, tầng dưới được tận dụng trồng rau ăn lá.
Theo kinh nghiệm của chị Đoàn Non, trồng cây trên mái luôn gặp những khó khăn nhất định. Vì thế cần phải kiên trì, trồng một lần không được thì bỏ đi trồng lại đến khi nào có thành quả mới được.
Vì trồng rau cho gia đình ăn, chị trồng theo phương pháp hữu cơ nên không tránh khỏi sâu bệnh. Hiện tại, khu vườn trên cao của gia đình được trồng các loại rau đón vụ đông sắp tới như su su, súp lơ, bầu bí, đỗ, cove leo, cà chua, ngô…
Mỗi lần thu hoạch được một đợt cây, chị Đoàn Non lại đổ hết đất ra phơi và trộn đất với phân gà, phân rác trong vườn tự ủ, chút vôi bột và nấm Trichoderma rồi cho vào thùng cần trồng, phơi khô đất khoảng 1 – 2 tuần để giảm bớt mầm bệnh trước khi trồng cây mới.
Về bón phân, chị Đoàn Non thường bón phân gà hoặc phân rác trong vườn tự ủ cho rau và cây ăn quả ngắn ngày. Còn những cây ăn quả dài ngày, thỉnh thoảng bón them ít phân đầu trâu tan chậm và một chút kali. Ngoài ra, chị còn hay ngâm chuối chin tưới cho cây khoảng 3 – 5 ngày hòa loãng nước chuối ngâm tưới cho cả vườn.
Về trị sâu bệnh, chị Đoàn Non thường ngâm thuốc thảo dược như tỏi, ớt, gừng, rượu… trong bình dung được nửa năm. Khi phun, chị pha loãng phun phòng 10 ngày 1 lần. Nếu cây hay rau xuất hiện rệp, chị thường ngâm ít thuốc lào qua đêm pha loãng với dung dịch thảo dược trên để phun một hoặc hai lần. Chị lưu ý nên phun phòng sẽ hiệu quả hơn khi cây đã bị bệnh.
Nhờ những kinh nghiệm đơn giản ấy, khu vườn trên cao của gia đình chị quanh năm được thu hoạch đa dạng các loại cây ăn quả, rau sạch giúp mỗi bữa ăn luôn đảm bảo sạch, ngon, an toàn cho sức khỏe.