Sản lượng giảm, nhu cầu tăng cao đẩy giá cà phê trong nước lập đỉnh trong 15 năm
Sản lượng giảm, nhu cầu tăng cao đẩy giá cà phê trong nước lập đỉnh 15 năm. |
Không chỉ tăng giá mà trong tháng 5/2023, xuất khẩu cà phê cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cà phê tăng cả khối lượng và giá bán
Theo ước tính, tháng 5/2023, xuất khẩu cà phê đạt 165 nghìn tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9% về lượng, giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê mấy năm qua luôn ở mức thấp, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nông dân trồng xen canh hoặc chuyển sang cây trồng khác có kinh tế cao hơn như sầu riêng, chanh dây, … Đây là những tác nhân chính kéo sản lượng cà phê lượng niên vụ 2022-2023 giảm trên dưới 15% so với niên vụ 2021-2022. Trong khi đó, nhu cầu cà phê Robusta trên thế giới đang tăng lên, do người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm có giá rẻ để đối phó với lạm phát cao.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Vicofa cho biết, hơn 30 năm nay tất cả các nhà rang xay lớn trên thế giới đều sử dụng với cà phê Robusta của Việt Nam để thay thế một phần cà phê Arabica trong công thức chế biến, vì vậy, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam giảm ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Cà phê rang xay, cà phê hòa tan góp phần đẩy giá cà phê nguyên liệu trong nước tăng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công thương, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và khô hạn có thể ảnh hưởng đến sản lượng cà phê của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nên từ những ngày đầu tháng 5/2023 cho đến nay giá cà phê Robusta nội địa tăng mạnh so với cuối tháng trước. Ngày 29/5/2023, đạt mức tăng cao kỷ lục, từ 9.400 – 9.700 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 28/4/2023.
Đà tăng giá có thể còn kéo dài do nguồn cung suy giảm khi diện tích ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá cà phê có thể chịu áp lực điều chỉnh sau thời gian dài tăng giá liên tục và một phần ảnh hưởng bởi giá cà phê giới.
Chia sẻ quan điểm Cục XNK, ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Công ty Vĩnh Hiệp) cho biết, từ tháng 5, nguồn cung cà phê trong nước đã giảm trong khi nhu cầu tăng cao đẩy giá cà phê quanh mức 60.000 đồng/kg. Mức giá này phản ảnh đúng thực tế bối cảnh của thị trường, tuy nhiên, nói giá cà phê 60.000 đồng/kg là cao cũng không đúng, vì 30 đến 40 năm trước đây giá cà phê cũng đã 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu nhân tỷ số lạm phát của từng năm, cộng chi phí lao động, trượt giá đồng tiền, vật tư nông nghiệp đầu vào … thì giá cà phê 60.000 đồng/kg là không cao.
Theo ông Hiệp, có nhiều nguyên nhân khiến nhu cầu cà phê Robusta tăng:
Thứ nhất, do suy thoái kinh tế người tiêu dùng thế giới giảm chi tiêu, để giảm giá thành sản phẩm các nhà rang xay quốc tế dùng Robusta thay thế một phần Arabica nên lượng tiêu thụ Robusta ngày càng tăng, trong đó thị trường Trung Quốc cũng góp phần cộng hưởng vào giá cả.
“Giá cà phê Robusta 60.000 đồng/kg vẫn rẻ hơn nhiều so với cà phê Arabica giá từ 200.000 – 400.000 đồng/kg, thậm chí có loại lên đến 500.000 đồng/kg. Trước đây, cà phê Robusta thay thế cà phê Arabia chỉ từ 10 - 15%, để giảm giá thành tỷ lệ này đã tăng lên từ 30 - 50%”, ông Phó chủ tịch Vicofa nói.
Thứ hai, những năm gần đây chất lượng cà phê Robusta của Việt Nam tốt dần lên, được các nhà rang xay quốc tế tin dùng thay thế cà phê Arabica trong công thức chế biến của họ.
Thứ ba, trước đây, khi lãi suất còn thấp và kinh tế ổn định nhà nhập khẩu sẽ mua lượng tồn kho lớn để sản xuất dần, bây giờ lãi suất ở các nước đang ở mức cao nên khi nào cần họ mới mua.
“Ngoài nhu cầu đến từ các nhà rang xay nước ngoài thì nhu cầu từ các nhà rang xay trong nước cũng làm giá cà phê tăng, vì lượng cà phê Robusta họ tiêu thụ đang chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là một trong những tác nhân chính đẩy giá cà phê tăng trong thời gian qua”, Chủ tịch HĐTV Công ty Vĩnh Hiệp chia sẻ.
Ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH Vĩnh Hiệp |
Niên vụ 2023 – 2024, sản lượng cà phê Việt Nam có thể giảm 20%
Đối với doanh nghiệp trong nước, do lãi suất tăng cao cùng sản lượng cà phê thấp và sự chi phối của các nhà rang xay nên họ không thể mua hàng tồn kho lớn chờ xuất trong các tháng 7, 8 và 9 như trước đây. Vì vậy, trong quý 3/2023, lượng cà phê xuất khẩu có thể giảm so với các quý trước.
“Bây giờ lãi suất cao chúng tôi ký hợp đồng tới đâu thì mua hàng tới đó, chứ không mua hàng dự trữ như trước đây và cũng không như ngày xưa kinh doanh cà phê mang tính chất đầu cơ nhiều hơn.
Bởi trong thế giới phẳng các thông tin liên quan đến cà phê đều được cung cấp đầy đủ, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn thị trường khá rõ nét nên câu chuyện giá lên hay xuống không khiến họ quá quan tâm. Vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm bây giờ là hoạt động sản xuất bền vững”, ông Hiệp nói.
Dự đoán giá cà phê niên vụ 2023-2024, ông Hiệp cho rằng còn tùy thuộc vào tình hình sản xuất của các nước xuất khẩu lớn như Brazil, Việt Nam và Indonesia. Song, do biến đổi khí hậu cộng với El Nino nên diễn biến thời tiết năm nay khá phức tạp, khó đoán sản lượng cà phê tăng hay giảm. Riêng vụ cà phê 2023-2024 của Việt Nam phải chờ đến tháng 9 mới biết sản lượng có đạt hay không? Tuy nhiên, có nhiều dự báo vụ cà phê năm nay Việt Nam sẽ giảm khoảng 20%.