Rung lắc quanh mốc 1.280 điểm tái diễn, dòng tiền len lỏi tìm cơ hội ở nhóm vốn hóa thấp
Định vị thị trường
Sắc đỏ xuất hiện ở hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á. Biên độ giảm của các chỉ số giảm chủ yếu dưới 1% như NIKKEI 225 (-0,77%), TWSE (-0,9%), KLSE (-0,37%), SET (-0,59%). Trong khi đó, chỉ có một số chỉ số giảm trên 1% như KOSPI (-1,67%), HSI (-1,78%).
Sau khi đã vượt qua rủi ro bán tháo và lấy lại mốc 1.280 điểm, VN-Index cũng đã đi theo xu hướng chung của khu vực. Chỉ số đóng cửa giảm 0,71%.
Chất xúc tác
Các số liệu vĩ mô tháng 5/2024 đã được công bố trong đó CPI tăng 0,05% so với tháng trước và 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thông tin được đưa ra không phản ánh sự tiêu cực nhưng thị trường cũng cần thêm thời gian để phản ánh lại kỳ vọng.
Trong khi đó, 2 biến số tỷ giá và lãi suất vẫn được chú ý. Tỷ giá tự do hiện vẫn tiếp tục dao động quanh 25.800 VND/USD nhưng lãi suất liên ngân hàng đang cho thấy sự hạ nhiệt nhanh hơn. Thống kê từ Refinitiv Eikon cho biết, lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm đã xuống 4,04% trong khi các các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần đã xuống dưới 5%.
Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 4.420,16 tỷ đồng ra khỏi thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 56.690 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố giảm nhẹ xuống mức 103.657,18 tỷ đồng.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán tiếp tục có phiên thứ 2 liên tiếp đạt trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh tăng gần 30% đạt 967 triệu đơn vị.
Tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài có sự gia tăng, đạt 10,5% tổng giao dịch 2 chiều. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, giá trị bán ròng vẫn rất cao, đạt 1.649 tỷ đồng trong đó các mã CTG (-335 tỷ đồng), HPG (-231 tỷ đồng), VND (-188 tỷ đồng), HDB (-109 tỷ đồng), SSI (-104 tỷ đồng), VNM (-100,8 tỷ đồng) bị bán ra trên 100 tỷ đồng.
Tính chung cả 3 sàn, từ đầu năm 2023, khối ngoại đã bán ròng ra tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng. |
Vận động thị trường
Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh đều ít nhiều chịu ảnh hưởng khi đóng cửa. CTG (-1,71%), HPG (-1,89%), VND (-1,68%), HDB (-2,9%), SSI (-1,12%), VNM (-0,75%) đều giảm giá và đồng thời cũng gây ra áp lực lên chỉ số. Ngoài ra, cũng phải kể đến các Bluechips như VIC (-1,44%), VRE (-1,34%), MWG (-1,63%), VHM (-1,25%) cũng phản ánh vào vận động của VN-Index.
VN-Index dù có một số thời điểm đã có sắc xanh nhưng trong hầu hết thời gian giao dịch đều dưới tham chiếu. Đặc biệt, chỉ số còn giảm nhiều hơn trong quãng 30 phút cuối của phiên khớp lệnh liên tục và phiên ATC. Kết quả, sau phiên vừa lấy lại mốc 1.280 điểm chỉ số phải trả lại 9,09 điểm, tương ứng mức giảm 0,71%. VN-Index đóng cửa tại 1.272 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt trên 25.400 tỷ đồng.
Thị trường có sự phân hóa mạnh hơn theo chiều hướng dòng tiền chỉ len lỏi tới nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Ở nhóm Ngân hàng, đó là các mã EIB (+4,8%), LPB (+3,79%) đi ngược lại HDB, STB (-2,1%), VIB (-1,8%), OCB (-1,4%), SHB (-1,3%), ACB (-1,3%).
Tại nhóm Hàng không và du lịch, chỉ có HVN (+5,2%) vẫn đi theo lối riêng trong khi VJC (-1,6%), SKG (-1,6%) cùng giảm nhẹ. Tính từ đầu tháng 5, HVN đã tăng hơn 64% còn nếu tính từ đầu năm tăng 131%.
Tương tự, NHH (+6,93%), PET (+6,89%), VIP (+6,9%), AGG (+5,83%), DXS (+6,2%), AAA (+5,15%) là những hiện tượng cá biệt của nhóm ngành.
Thực tế, sắc đỏ đã xuất hiện ở 51,7% số mã trên toàn HOSE cho thấy thị trường đã có một sự phân hóa rất mạnh trong phiên giao dịch.
Khi tâm lý trở nên lưỡng lự, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng trở lại với vận động trái chiều nhau. HNX-Index mất 0,58% trong khi UPCoM-Index tăng 0,32. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.400 tỷ đồng.