Ba khuyến nghị của UNDP đối với chiến lược khai thác, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Việt Nam
Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Chia sẻ về ba khuyến nghị mà Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần hướng tới, bà Ramla Khalidi chỉ rõ: Sau khi Chiến lược được thông qua, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển (MSP), điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững. UNDP và Nauy vinh dự được hỗ trợ và tham gia vào quá trình xây dựng MSP.
Cũng theo đại diện UNDP tại Việt Nam, biển và hải đảo của Việt Nam hiện đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển (như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp, thăm dò và phát triển năng lượng, quy hoạch, đầu tư và môi trường) là rất quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường). |
Cuối cùng, hỗ trợ quốc tế về bí quyết, chuyển giao công nghệ, tài chính bền vững sẽ rất cần thiết để thúc đẩy cho sự thay đổi và cũng là một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UNDP khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài.
Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản, khoa học công nghệ hiện đại…; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường là quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan.
Về mục tiêu, Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát và bốn mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về: khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học.
Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000.
Đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên…
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Chiến lược chỉ ra các giải pháp định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể như: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra cơ bản biển và hải đảo; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…