Ra mắt bộ công cụ đánh giá độ nhạy cảm giới đầu tiên tại Việt Nam
Anh Đinh Trần Tuấn Linh, người sáng lập TUVA Communication giới thiệu bộ công cụ phân tích quảng cáo sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Thanh Thảo |
Tại buổi tọa đàm, anh Đinh Trần Tuấn Linh, người sáng lập TUVA Communication, đại diện đội ngũ phát triển bộ công cụ cho biết chúng ta dễ dàng công kích quảng cáo mang tính chất bạo lực lộ ra ngoài nhưng có những quảng cáo mang trong mình sạn về định kiến giới, bạo lực, bất bình đẳng không được lộ ra. Qua đó, đội ngũ đã đề xuất ra bộ công cụ sử dụng chế độ nhân tạo nhằm kêu gọi cộng đồng người làm tiếp thị và các nhãn hàng phản ánh thực tế cuộc sống đa dạng và vai trò đang dịch chuyển của các giới khác nhau trong các sản phẩm sáng tạo, từ đó khích lệ những thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Để phát hiện ra những điều ấy, bộ công cụ sử dụng thước đo đánh giá trên các khía cạnh: bối cảnh quảng cáo; thể hiện giới của diễn viên qua màu sắc trang phục; yếu tố “vật hóa” phụ nữ hoặc đàn ông; phân phối nam-nữ trong từng bối cảnh cụ thể; vai trò nam-nữ (nghề nghiệp, công việc, hành động cụ thể...).
Tùy thuộc vào điểm phân tích, quảng cáo sẽ được xếp vào khung đánh giá và đưa ra kết luận về mức độ nhạy cảm giới, đồng thời nhận được những khuyến nghị từ đội ngũ Goodvertisings để cải thiện độ nhạy cảm giới trong các sản phẩm tiếp theo.
Tọa đàm với sự tham dự của đại diện nhãn hàng, agency và NGOs cùng đối thoại trực tiếp và cởi mời với những người phát triển bộ công cụ này. |
Thông qua đánh giá 45 quảng cáo Tết năm 2022, sử dụng cả công nghệ goodvertisings Tool lẫn phân tích thủ công thuộc 12 ngành hàng, chị Hương Ly, chuyên gia về Giới tại CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết tổng quan về thang mức độ nhạy cảm giới thì có 60% quảng cáo Tết 2022 thuộc ở mức trung lập về giới, 11% đạt nhạy cảm giới và không có quảng cáo về tiến bộ về giới.
Trong những quảng cáo đã xuất hiện những xu hướng tích cực nhưng còn tồn tại định kiến sự dập khuôn về vai trò phụ nữ và nam giới. Ví dụ như: số lượng quảng cáo để nam giới ở vai trò lãnh đạo và chuyên gia nhiều gấp đôi số quảng cáo để phụ nữ ở vị trí này, sự hiện diện lao động phổ thông nam nhiều gấp 4 lần phổ thông lao động nữ, khuôn mẫu “đàn bà xây tổ ấm” xuất hiện thường xuyên, và quảng cáo có nam giới chăm sóc con cái so với phụ nữ thì sự chênh lệch vẫn còn lớn.
Khách hàng có thể yêu cầu bản chạy thử qua https://goodvertisings.com/goodvertisings-tool/. |
Xây dựng tình yêu dành cho nhãn hàng là những gì mà quảng cáo có độ nhạy cảm giới thực sự đã đem lại. Bộ công cụ kỳ vọng sẽ giúp những nhãn hàng, những người làm quảng cáo có cơ sở để thực hiện và thay đổi các quảng cáo có độ nhạy cảm giới cao.
Đồng thời, bộ công cụ hứa hẹn sẽ là một bước tiến mới để kéo gần hơn những kỳ vọng của người hoạt động xã hội với nhãn hàng và agency - những người có đủ động lực và năng lực trong việc thay đổi định kiến xã hội thông qua các sản phẩm truyền thông.
Goodvertisings in Vietnam là dự án hướng tới thúc đẩy nhạy cảm giới trong truyền thông và quảng cáo thông qua các không gian trao đổi, thạo luận cởi mở và tích cực. Goodvertisings in Vietnam thuộc dự án Nhà Nhiều Cột, một sáng kiến của chính phủ Úc, được khởi xướng bởi TUVA Communication và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, tài trợ bởi Investing in Women. |