Giá lúa mì thế giới tăng vọt sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ
Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì để bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước (Ảnh: Báo chí nước ngoài). |
Theo Hãng tin AFP, giá lúa mì đã tăng lên mức 435 euro (453 USD)/tấn trong phiên giao dịch sáng 16/5 trên sàn chứng khoán Euronext của châu Âu, tăng so với kỷ lục 422 euro/tấn vừa lập hôm 13/5.
Giá lúa mì toàn cầu đã tăng cao do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, nhà xuất khẩu lúa mì chính của thế giới và chiếm 12% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.
Việc giá lúa mì tăng cao đã thúc đẩy lạm phát toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về nạn đói và bất ổn xã hội ở các nước nghèo hơn.
Ngày 14/5, Ấn Độ - nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới - đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi trải qua tháng 3 nóng kỷ lục. Các thương nhân cần sự cho phép của chính phủ để ký kết các giao dịch mới.
New Delhi cho biết lệnh cấm này là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực cho 1,4 tỉ dân của nước này trước tình hình sản lượng lúa mì giảm và giá toàn cầu tăng cao.
Một số khu vực của Ấn Độ đã chứng kiến giá lúa mì và bột mì tăng 20 - 40% trong những tuần gần đây, theo Bộ Thương mại Ấn Độ.
Do giá toàn cầu tăng mạnh, một số nông dân Ấn Độ đã bán cho thương lái mà không bán cho chính phủ. Điều này khiến New Delhi lo lắng về kho dự trữ gần 20 triệu tấn đã cạn kiệt do đại dịch COVID-19 và lo ngại nạn đói có thể xảy ra.
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ G7 khi nhóm này cho rằng các biện pháp như vậy sẽ "làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng" giá hàng hóa đang tăng hiện nay.
Quyết định này của Ấn Độ được đưa ra sau khi một đợt sóng nhiệt kỷ lục gây sụt giảm sản lượng và đẩy giá lúa mì ở nước này tăng vọt. Dù áp lệnh cấm, Ấn Độ vẫn sẽ cung cấp lúa mì cho những nước có đề nghị từ chính phủ. Những lô lúa mì xuất khẩu đã có thư tín dụng (L/C) không thể thu hồi cũng vẫn được vận chuyển.
Giá lúa mì giao sau tại sàn Chicago Board of Trade của Mỹ đã tăng vọt sau khi Ấn Độ đưa ra lệnh cấm nói trên, từ mức dưới 1.200 cent/giạ lên xấp xỉ 1.250 cent/giạ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây có thể chỉ là phản ứng tức thời của thị trường và các nhà giao dịch cần có thêm thời gian để hiểu rõ chi tiết và ảnh hưởng thực sự của lệnh cấm.
Theo các chuyên gia, sẽ có nhiều giải pháp, khắc phục tình trạng kể trên. Cụ thể, vụ thu hoạch lúa mì ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nga sẽ sớm bắt đầu, giúp giải toả tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường lúa mì vật chất và qua đó giúp giảm bớt áp lực lạm phát.