Quốc hội nghe báo cáo phòng chống tội phạm, tham nhũng
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang
Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, đến nay hầu hết các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được cơ quan điều tra các cấp khẩn trương điều tra, kết luận.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai liên tục các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, điều tra, khám phá kịp thời, tạo niềm tin trong nhân dân, như các vụ thảm án xảy ra tại Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái… Bộ Công an luôn yêu cầu các lực lượng phải chú trọng nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án hình sự, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm, các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm.
Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Trần Đại Quang, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao; báo cáo công tác thi hành án.
Cũng trong ngày 27/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác này.
Tranh luận về quy định “dân kiện quan”
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) - Ảnh: Việt Dũng
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận lần cuối trước khi thông qua dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Tuy nhiên, tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu vẫn chưa đồng tình với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp trước của Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề nghị luật sửa đổi lần này cần quy định đưa các vụ kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đối với UBND, chủ tịch UBND cấp huyện lên tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh để xét xử sơ thẩm. Đây cũng là quan điểm của Chính phủ khi trình dự luật này. Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Việc đề xuất giao thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật là không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh cũng như không nêu cao được trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện trong giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính”. Để tháo gỡ một số trường hợp khó khăn, vướng mắc cho TAND cấp sơ thẩm trong việc giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng: “Theo đề nghị của TAND cấp huyện và khi xét thấy cần thiết, TAND cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện”. Không đồng tình lập luận trên đây, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng việc sửa đổi Luật tố tụng hành chính lần này phải giải quyết, trả lời được vấn đề tại sao luật này chậm đi vào cuộc sống? “Tôi cho rằng đây là một luật rất đặc thù vì quy định việc dân đi kiện quan. Người dân đi kiện rất e ngại phải đến cửa quan để kiện một việc. Vì vậy, việc xác định thẩm quyền xét xử là vấn đề mấu chốt, đầu tiên cần phải sửa. Người dân đi kiện, đi tìm công lý thì họ phải chọn nơi phân xử mà người dân tin là khách quan, có đủ thẩm quyền để phân định đúng - sai” - ông Hùng nói. Ông Hùng cho rằng TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính của các cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện là đúng vì giúp giải tỏa tâm lý e ngại của người dân khi phải đi tìm lẽ công bằng, tác động tích cực đến việc xây dựng nền hành chính minh bạch và hiệu quả. Nếu trở lại với quy định hiện hành tòa cấp nào xử “quan” cấp ấy thì sẽ là bước thụt lùi của dự án luật. “Việc này xuất phát từ thực tiễn chứ không phải là lý luận. Chúng ta biết quy định như thế này có lợi cho người dân thì phải quy định như vậy” - ông Hùng bày tỏ. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) khi ông cho rằng: “Tuy luật quy định tòa án độc lập xét xử nhưng vì nhiều lý do khách quan, bị tác động, chi phối nên thẩm phán tòa cấp huyện rất khó xử đối với lãnh đạo huyện”. Giảm thuế các loại ôtô tiết kiệm nhiên liệu Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, đem đến cho những người có thu nhập trung bình hi vọng sở hữu các loại xe hơi công suất nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu. Theo đó, các dòng xe có dung tích xilanh nhỏ từ 1.000cm3 trở xuống đang có mức thuế suất 45% sẽ giảm còn 40% từ ngày 1-7-2016, từ đầu năm 2018 giảm còn 30% và từ năm 2019 giảm còn 20%. Các dòng xe có dung tích xilanh 2.000cm3 trở xuống cũng được giảm thuế đáng kể, giữ nguyên mức thuế suất (50%) đối với các dòng xe có dung tích xilanh trên 2.000 - 2.500cm3. Các dòng xe có dung tích xilanh lớn hơn sẽ được điều chỉnh với các mức thuế từ cao đến rất cao. Tài liệu gì cũng đóng dấu mật Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) phàn nàn hiện nay đa số tài liệu gửi đến đại biểu đều đóng dấu mật. “Báo cáo của viện kiểm sát, tòa án... cũng mật. Mật gì chỗ này, thậm chí phải đưa ra công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra chứ sao lại là mật? Đại biểu nói mãi mà không ăn thua!” - ông Hiến nói. Đánh giá việc này, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cũng cho rằng phải quy định lại những tài liệu nào là mật, tài liệu nào không mật. Còn hiện nay, theo ông Phúc, đang có sự tràn lan trong việc đóng dấu mật. “Từ các cơ quan gửi sang Quốc hội đã được đóng dấu mật rồi. Theo quy định, tài liệu mật thì phải thu lại nhưng có hôm không thấy yêu cầu thu lại. Vậy sao gọi là mật? Vì vậy nên quy định lại” - ông Phúc đề nghị. |
Theo Chinhphu.vn-Tuổi Trẻ