Quốc hội Hy Lạp chấp thuận khoản cứu trợ của châu Âu
Hiện Hy Lạp đang nợ các nước trong nhóm Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế khoảng 233 tỷ euro trong những lần cứu trợ từ năm 2010. Các chủ nợ không muốn cho nước này vay thêm bất cứ khoản tiền nào nếu Hy Lạp không cam kết tái cơ cấu nợ và cải cách kinh tế.
Trong nhiều tháng, chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cùng với Đảng Syriza của ông đã chủ trương chống lại cải cách. Nhưng sau các cuộc đàm phán căng thẳng và kéo dài với các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Tsipras đã phải nhượng bộ và chấp nhận thực hiện cải cách kinh tế. Mặc dù vậy, vị thủ tướng cho biết ông “không tin" vào các biện pháp đã được áp đặt lên Hy Lạp.”
Cảnh sát dùng hơi cay đáp trả lại những người biểu tình trước tòa nhà quốc hội Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)
Dù cho cải cách kinh tế là điều cực kỳ cần thiết, nhiều người dân Hy Lạp phẫn nộ với những chính sách kinh tế khắc nghiệt mà châu Âu áp đặt lên nước này. Trước cuộc bầu cử, các cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp tại Athens đã biến thành bạo lực. Người biểu tình ném bom xăng và cảnh sát đáp trả lại bằng hơi cay. Những người phản đối nói rằng họ muốn thoát khỏi khu vực đồng tiền chung euro và quay lại với chế độ tiền tệ cũ sử dụng đồng drachma, còn hơn chấp nhận các điều kiện khắc nghiệt như vậy.
Cuộc bỏ phiếu lần này chỉ là bước đầu tiên trước khi tiền cứu trợ tiếp tục được giải ngân. Vào ngày 22/7, Quốc hội Hy Lạp sẽ phải thông qua một đợt cải cách nữa. Ngoài ra, một số nước khác trong khu vực châu Âu, trong đó có Đức và Phần Lan, cũng cần sự chấp thuận của quốc hội để cho Hy Lạp vay nhiều hơn.
Trọng Sang