Quảng Nam: Thêm địa chỉ tin cậy cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật bị bạo lực
Ngôi nhà Bình Minh được khánh thành ngày 28/12 và đưa vào sử dụng tại tỉnh Quảng Nam với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1.
Ngôi nhà Bình Minh là mô hình cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực giới. Nhà gồm một phòng tư vấn và hai phòng tạm lánh. Đây là mô hình được thí điểm hỗ trợ cải thiện tiếp cận cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật là nạn nhân của bạo lực giới.
Đặc biệt, mô hình nhà tạm lánh được điều chỉnh hoàn toàn tiếp cận với người khuyết tật, từ lối đi lại, các vật dụng sử dụng trong nhà cho tới nhà vệ sinh.
Lễ cắt băng khánh thành. Ảnh: USAID |
Việc xây dựng mô hình Ngôi nhà Bình Minh được bắt đầu từ tháng 7/2023 với các hoạt động khảo sát đánh giá khả năng tiếp cận khả năng cung cấp dịch vụ cho phụ nữ khuyết tật, tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực về bình đẳng giới, tăng cường kiến thức và kỹ năng phát hiện và xử lý, quản lý ca, giới thiệu mô hình cơ sở tạm lánh để hỗ trợ người khuyết tật có nguy cơ và là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Anthony Kolb, Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và phát triển hòa nhập, USAID tại Việt Nam cho biết, nếu mô hình này thành công, có thể nhân rộng mô hình ra các tỉnh thành khác và những tỉnh thành khác cũng có thể tham khảo và học hỏi.
Mô hình nhà tạm lánh được điều chỉnh hoàn toàn tiếp cận với người khuyết tật, từ lối đi lại, các vật dụng sử dụng trong nhà cho tới nhà vệ sinh. Ảnh: USAID |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, đại diện Trung Tâm khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) cũng khẳng định sự ra đời của mô hình Ngôi nhà Bình Minh có thể coi là một bước quan trọng trong quá trình thực hiện Dự án Hòa nhập với đối tượng thụ hưởng là phụ nữ khuyết tật, thể hiện sự quan tâm của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và NACCET đến việc thực hiện bình đẳng giới cho người khuyết tật.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC cũng nhấn mạnh phụ nữ khuyết tật hay trẻ em gái khuyết tật luôn là những người yếu thế nhất trong những người yếu thế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện ACDC những năm trước đây, có ít nhất 40% phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị ít nhất một lần bạo lực giới và họ rất lúng túng không biết tìm nơi nào để cầu cứu. Vì thế, Ngôi nhà Bình Minh có thể là một nơi tạm lánh an toàn, thân thiện với họ.
Bà Lan Anh tin rằng Ngôi nhà Bình Minh đầu tiên ra đời này cũng sẽ giúp cho sự hợp tác, vào cuộc của các bên liên quan được chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, giúp ích được nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.