Người khuyết tật Quảng Bình được hỗ trợ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu” do Chương trình IKI Small Grants tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), và Hội vì sự Phát triển của Người Khuyết tật (AEPD) làm chủ khoản viện trợ, được thực hiện trong thời gian 14 tháng. Tổng vốn của Dự án là 174.163 EUR (khoảng 4 tỷ đồng).
Theo đó, xã Trường Xuân, Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và An Thủy, Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy) được lựa chọn để triển khai dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu” từ tháng 11/2022.
Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ tổn thất và thiệt hại
Quảng Bình là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi tác động thiên tai với nhiều loại hình khác nhau; trong đó, nặng nề nhất là bão lũ khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Địa phương hiện có hơn 45.000 người khuyết tật (NKT); trong đó có hơn 19.800 NKT nặng và trên 4.800 NKT đặc biệt nặng. |
Qua hơn một năm triển khai, dự án đã xây dựng 7 căn nhà chống chịu thiên tai, sửa 3 căn nhà của các hộ dân dễ bị tổn thương; xây dựng 18 nhà vệ sinh, và 16 công trình nước sạch; tổ chức 4 khóa đào tạo về nước sạch và vệ sinh môi trường cho hộ gia đình có NKT.
Gia đình bà Võ Thị Xá ở xã An Thủy, là một trong những gia đình nhận được hỗ trợ của dự án để cải tạo lại ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng.
Hội vì sự Phát triển của Người Khuyết tật tổ chức cuộc diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại xã Trường Xuân tháng 8/2023. Ảnh: AEPD |
Bà Xá là người khiếm thị, cả gia đình 3 thế hệ trông vào thu nhập của chị Võ Thị Huyền Trang. Chị vừa nuôi con nhỏ vừa một mình phải chăm lo cho mẹ. Trong năm 2020, bị ảnh hưởng bởi cơn lụt lịch sử, nhà dột nát càng trở nên xuống cấp. Cứ mỗi mùa mưa lụt đến, cả gia đình đều sống trong nơm nớp lo sợ. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, eo hẹp, nên cũng không có cách gì để cải thiện cuộc sống trong nỗi lo sợ đó.
Với sự nỗ lực một phần của gia đình, sự giúp đỡ từ bà con họ hàng, đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án, tháng 7/2023, gia đình bà Xá đã hoàn thành việc cải tạo căn nhà, có phòng tránh bão và gác tránh lụt chắc chắn.
Trong mùa mưa lụt năm nay, gia đình đã không còn phải nơm nớp lo sợ như trước đây nữa. Đặc biệt là từ khi có phòng tránh lụt, chị Trang đã có thể yên tâm mẹ già và con nhỏ ở nhà, để tập trung đi làm kiếm tiền.
Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 tại xã Tân Ninh. Ảnh: AEPD |
Thích ứng biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững
Song song với đó, dự án còn triển khai 15 hệ thống tưới thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ xây dựng, thực hiện 23 mô hình sinh kế bền vững cho hộ gia đình có NKT. Đồng thời, nâng cao năng lực của chính quyền địa phương được tăng cường để giúp đỡ người dân tốt hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một trong những trường hợp nhận được hỗ trợ của dự án là ông Trần Hữu Quế, ở thôn Rào Trù, xã Trường Xuân. Năm 2016, ông bị tai biến mạch máu não, dẫn đến nửa người bên trái bị liệt, tay bị khoèo, chân đi lại khập khiểng, khó khăn. Do chưa có trợ cấp xã hội nên kinh tế đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, nhất là mỗi khi phải đi viện vì ông cũng không có bảo hiểm y tế.
Gia đình có một vườn cây ăn quả để kiếm thêm thu nhập nhưng do không đủ điều kiện nên không thể đầu tư hệ thống tưới nước cho vườn cây, vì vậy, vườn cây cho năng suất rất thấp.
Được sự hỗ trợ của AEPD và nhà tài trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn, vườn cây ăn quả của ông Quế phát triển tốt hơn, ra hoa đậu quả theo đúng thời vụ, giúp gia đình tăng thêm thu nhập mỗi tháng khoảng 1.5 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Từ khi có hệ thống tưới tự động, gia đình ông Quế có thêm thu nhập để trang trãi cuộc sống, ngoài ra gia đình ông đã mua được bảo hiểm y tế tự nguyện, từ đó nỗi lo mỗi khi ốm đau đã được giảm thiểu.
Cuộc thi kiến thức và kỹ năng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu cho 4 địa phương thuộc 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh tháng 11/2023. Ảnh: Báo Quảng Bình |
Ông Lê Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh nhấn mạnh dự án mang tính toàn diện và đầy đủ, tập trung giải quyết những khó khăn thiết yếu của hộ gia đình có NKT; việc thực hiện nhiều hoạt động cùng lúc, tác động đến nhiều khía cạnh, lĩnh vực trong cuộc sống, tạo tác động tổng hợp và cộng hưởng cho các nhóm người yếu thế.
Đối với xã Tân Ninh, dự án này là dự án đầu tiên có thiết kế bao trùm hiệu quả như thế, bởi từ trước đến nay, các dự án khác đầu tư hỗ trợ tại xã chỉ tập trung hỗ trợ vào một nội dung đơn lẻ.
Thêm vào đó, điểm nổi bật đặc biệt là phương pháp thực hiện các hoạt động dự án, hoàn toàn có sự tham gia của chính quyền địa phương, người hưởng lợi, các đơn vị, cá nhân kỹ thuật và của các bên có liên quan. Phương pháp này đã vừa huy động được đồng thời các nguồn lực khác nhau, vừa nâng cao vai trò và giá trị của NKT trong cộng đồng.
Theo ông Thi, một yếu tố rất nổi bật và mang đến thành công trong cả quá trình thực hiện dự án là phương pháp hỗ trợ đồng cảnh, tức là NKT hỗ trợ NKT. Cán bộ thực địa của Hội AEPD đều là NKT, vì thế NKT và gia đình có NKT nhìn vào tấm gương NKT đó sẽ có thêm động lực, niềm tin và ý chí để thực hiện các hoạt động hỗ trợ.