Quãng lặng... của nghề biển
Nhọc nhằn mưu sinh
Chủ tàu cá Trần Văn Vang (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) thở dài, chưa bao giờ có chuyến biển èo uột như thế này. Xuất bến hồi tháng 9, dự kiến sẽ về bờ tháng 12 nhưng chưa đến hẹn phải quay về. Chuyến câu mực khơi dài ngày này cần 45 bạn biển nhưng mời gọi mãi mới được 35 lao động.
Nhổ neo chưa được 2 ngày, máy móc bị trục trặc, phải mất 3 ngày sửa chữa mới khôi phục được, tiếp tục hành trình đến khu vực quần đảo Trường Sa. Đang hành nghề thì tàu bị sét đánh trúng, hư hỏng toàn bộ máy móc liên lạc, phải gấp rút về bờ.
“Cân bán chưa được 8 tấn mực khô, chuyến biển lỗ tổn. Phải đến tháng 4 chúng tôi mới lại ra khơi” - anh Vang nói.
Trong khi chờ đến năm sau vì không thể câu mực trong mùa biển động, anh Vang và các bạn biển dự kiến sẽ tạm thời theo tàu cá nào đó đi đánh bắt hải sản để có nguồn trang trải cuộc sống. Anh Vang chia sẻ, nghề câu mực khơi thường gặp nhiều rủi ro, bất trắc; từ đêm đến sáng trong bập bềnh sóng gió thật sự là nỗi ám ảnh.
“Có lần đang câu mực, người anh em lên cơn co giật, chúng tôi sơ cứu bằng kinh nghiệm là chính rồi tất thảy thu gom ngư lưới cụ, tức tốc điều tàu đến đảo Song Tử Tây để bác sĩ cứu chữa. May mà kịp thời. Có ngư dân khác đã lớn tuổi vì lao động quá sức mà bị tai biến, liệt nửa người, về đất liền rồi thấp thỏm nhớ biển” - anh Vang nói.
Ngư dân Trần Văn Bảo (thôn Tân An, xã Bình Minh) vừa tròn 30 tuổi đã có gần 20 năm bám biển. Bảo coi đi biển là “số phận” của mình. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, hơn 10 tuổi, Bảo theo bác, chú mình đi đánh bắt hải sản, lúc đầu có phần sợ sệt nhưng rồi thấy thích thú vì ham muốn khám phá, chinh phục. Cha mất sớm, Bảo nghỉ học, chính thức theo nghề biển, đi bạn cho nhiều chủ tàu ở Thăng Bình, Núi Thành qua các nghề lưới rê, lưới vây, lưới chụp…
Hành trình mưu sinh của Bảo qua nhiều cung bậc, có lúc biển hào phóng cho nhiều cá mực, thu nhập khá, cũng có lúc thất thu. Bảo nói, đã đi biển rồi khó bỏ nghề lắm, có vài lần thử lên bờ làm nghề khác nhưng không gắn bó, trở lại nghề biển để đi bạn với mong ước tích lũy vốn liếng chờ ngày đóng riêng cho mình con tàu. “Định sắp tới đi bạn cho nghề lưới chụp, nghề này thu nhập cũng ổn. Nhưng biết đâu được, biển thất thường” - Bảo nói.
Không rời nghiệp biển
Rời cảng cá, tôi vòng vèo qua các thôn An Hải, Trung Toàn, Sâm Linh của xã biển Tam Quang (Núi Thành), cảnh vắng ngắt đến nao lòng. Mọi khi nơi đây cộng đồng ngư dân quần tụ đan lưới, sửa chữa ngư lưới cụ hoặc khiêng vác nhu yếu phẩm ra tàu cá. Gọi điện thoại cho anh Nguyễn Thanh Tiến (một chủ tàu cá ở thôn Sâm Linh Đông), anh nói, mùa này tàu cá ngủ đông bởi sắp xếp đi biển cũng chẳng dôi dư. Anh Tiến đang cải hoán tàu cá của mình từ nghề lưới chụp sang nghề lưới vây, dự kiến bám biển trở lại vào năm sau.
Trước đây chưa lâu, chừng hơn 2 năm, chính anh Tiến đã cải hoán tàu cá của mình từ nghề lưới vây sang lưới chụp. Tôi gặng hỏi, anh bảo nghề biển mà, có thể năm nay đạt nhưng bị thua vào năm sau. Cài vòng luẩn quẩn được thua ấy cứ vướng vào, càng gỡ càng bấu chặt lấy.
Lưới vây là “đặc sản” của nghề biển Tam Quang. Đã có tàu cá thu được tiền tỷ chỉ sau một chuyến biển. Anh Tiến kể, có lần dò được đàn cá ước chừng 200 tấn cá nục đang di chuyển giữa biển Hoàng Sa liền gọi qua máy liên lạc tầm trung đến 2 người em là Nguyễn Thanh Vương và Nguyễn Thanh Thành đưa tàu đến phối hợp vây bắt. Chuyến biển “nhớ đời” của 3 anh em thu đến hơn 3 tỷ đồng. “Nghề biển cũng có thời vận. Khi nghề này thịnh thì nghề khác suy. Khó dự lường, tiên đoán nghề biển, khó nói lắm” - anh Tiến nói.
Theo đuổi chuyển nghề như anh Tiến vẫn là may mắn, nhiều chủ tàu ở Tam Quang đang ngồi trên lửa vì tàu cá đã bị ngân hàng tịch thu, bán đấu giá để thu hồi nợ. Như trường hợp các ngư dân Trần Công Kỳ, Bùi Thế Cả, Lê Văn Năm, Lê Văn Hên...
Như bao thế hệ người dân sinh ra, lớn lên ở xã biển Tam Quang, anh Trần Văn Nhân luôn khao khát bám biển Hoàng Sa, Trường Sa nhưng con tàu được đóng theo Nghị định 67 là QNa-91441 nằm bờ dai dẳng mấy năm qua. Nguyên nhân chính là tàu mất cân bằng mỗi khi ra khơi, làm ăn thua lỗ, không thể tiếp tục bám biển.
Không thể chịu cảnh nghiệp biển đứt gánh nửa chừng, anh Nhân cầm cố ngôi nhà, vay vốn đóng tàu vỏ gỗ đi biển trở lại. Từ đầu năm đến nay, trữ lượng hải sản giảm sút, chuyến biển đạt ít, lỗ tổn nhiều, anh Nhân cầm cự bằng nguồn hỗ trợ xăng dầu của Nhà nước. “Không ai dám quả quyết nghề biển khi mô sẽ khởi sắc trở lại. Còn bám biển là còn chờ đợi, hy vọng” - anh Nhân nói.
Tết Trung thu ghé thăm làng nghề làm đèn ông sao Phú Bình
Đến làng nghề lồng đèn Phú Bình, đường Lạc Long Quân, quận 11, TPHCM đúng vào dịp cận kề Tết Trung thu chúng ta mới cảm nhận được sự náo nhiệt ở đây. Những chiếc đèn đủ màu sắc và hình dáng qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công trở nên sinh động và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
|
Sắp diễn ra Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2022
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND về tổ chức Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2022. Với quy mô khoảng 200 gian hàng, đây là cơ hội quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề Thủ đô tới du khách trong nước và quốc tế.
|