Quảng Nam: Làng xã Hội An qua Địa bạ triều Nguyễn
Tư liệu Địa bạ triều Nguyễn làm sáng tỏ hơn về lịch sử - văn hóa Hội An, đặc biệt là quá trình hình thành và phát triển của các làng xã ở Hội An đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Do xuất phát từ những đặc điểm hình thành trong quá trình di dân, khai cơ, lập làng, hội nhập dân cư, hoạt động kinh tế truyền thống gắn với sự phát triển thương nghiệp, thương mại quốc tế... và cả gắn với địa chính trị - lịch sử - văn hóa mà làng xã ở Hội An qua các thời kỳ luôn có sự đan xen giữa cái chung, tổng thể và cái riêng, khác biệt.
Tư liệu địa bạ
Địa bạ là loại sổ ghi chép, thống kê về ruộng đất của các làng - xã. Mục đích lập địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp ruộng đất.
Nhà Nguyễn quy định rõ cách thức làm sổ và các yếu tố kê khai bắt buộc như sau: tên đơn vị hành chính: xã (hoặc thôn, phường, ấp), tổng, huyện, phủ, tỉnh (hoặc trấn, xứ); họ tên các chức dịch kê khai và lập địa bạ; vị trí địa lý: xác định ranh giới của đơn vị hành chính đó với các đơn vị hành chính khác ở 4 phía đông, tây, nam, bắc; tổng diện tích các hạng công tư điền thổ của xã hoặc thôn…
Cuối cùng là ghi ngày tháng năm lập và ngày tháng năm sao địa bạ đó cùng dấu triện và chữ ký hay điểm chỉ của chức dịch từ xã (thôn), tổng, huyện, phủ, tỉnh và Bộ Hộ (dẫn theo Nguyễn Thu Hoài, “Địa bạ triều Nguyễn: Một sưu tập quốc bảo về tư liệu Hán Nôm tại Việt Nam, 2010”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Hà Nội).
Kết quả nghiên cứu cho biết, địa bạ các làng xã ở Hội An được lập vào thời vua Gia Long, trong đó có 10 địa bạ làng xã lập vào năm Gia Long thứ 13 (1814) gồm các làng: Đại An, Đông An, Hội An, Tân An, Kim Bồng, Phong Hộ, Minh Hương, An Mỹ, Hoa Phô, Đế Võng.
Riêng địa bạ làng Thanh Châu lập năm Gia Long thứ 14 (1815); địa bạ làng Cẩm Phô và Thanh Hà, Hòa An lập năm Gia Long thứ 17 (1818). Đối với
các làng Tân Hiệp và phường Xuân Mỹ do một số trang tư liệu bị mất chữ nên chưa xác định được thời gian lập địa bạ. Tuy nhiên, qua đối chiếu với địa bạ của các làng khác, có thể xác định địa bạ 2 làng xã này cũng được lập vào thời vua Gia Long.
Đất đai
Cùng với việc ghi niên đại lập địa bạ, thông tin về diện tích đất đai các làng xã cũng được thống kê trong địa bạ gồm đất công, tư điền thổ, đất mộ địa, đất miếu, đình, chùa Phật; đất hoang và các loại khác.
Theo thống kê ruộng đất của 16 làng xã, có 4 làng vừa có ruộng công vừa có ruộng tư, đó là Cẩm Phô, Thanh Hà, Hoa Phô và An Mỹ. Trong đó, làng Cẩm Phô có ruộng công nhiều hơn ruộng tư, cụ thể công điền là 156 mẫu, tư điền là 111 mẫu (các làng xã chúng tôi chỉ lấy đơn vị tính là mẫu - NV).
Các làng Thanh Hà, Hoa Phô, An Mỹ có tỷ lệ ruộng công ít hơn ruộng tư, cụ thể: làng Thanh Hà công điền là 190 mẫu, tư điền là 300 mẫu; làng Hoa Phô công điền 61 mẫu, tư điền là 65 mẫu; làng An Mỹ công điền là 20 mẫu, tư điền là 38 mẫu.
Các làng Thanh Châu, Tân Hiệp, Đế Võng, Tân An, Xuân Mỹ, Kim Bồng chỉ có ruộng tư không có ruộng công, trong đó làng có ruộng tư nhiều nhất là Kim Bồng với diện tích là 518 mẫu (trồng dâu). Các làng Đại An, Đông An, Hòa An, Hội An, Phong Hộ, Minh Hương lại có ruộng công mà không có ruộng tư, trong đó làng có ruộng công nhiều nhất là làng Đại An với 453 mẫu.
Địa bạ cũng cho biết, hầu hết làng xã đều có đất công để lập miếu đình, chùa Phật. Các di tích miếu đình, chùa Phật tại các làng được thống kê như sau: làng Thanh Châu có 3 đình, 3 chùa, 1 miếu (miếu Thần Nông); làng Thanh Hà có 2 đình, 2 chùa, 3 miếu (2 miếu Thành Hoàng, 1 miếu Nhị vị); làng Cẩm Phô có 1 đình, 3 miếu (miếu Hội đồng, miếu Thành Hoàng, miếu Thần Nông); làng Đế Võng có 1 đình, 1 chùa, 3 miếu (miếu Thành Hoàng, miếu Ngũ Hành, miếu Thái Giám Bạch Mã)… Có thể thấy, trong địa bạ tên gọi loại hình đình, chùa được định danh chung với thuật ngữ là “đình, chùa Phật”, mà không được gọi tên riêng như loại hình miếu.
Tên các xứ đất ở Hội An cũng được ghi chép trong địa bạ, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thì có hơn 100 tên gọi xứ đất của các làng xã. Trong đó, các làng như Thanh Hà, Thanh Châu, Cẩm Phô, Đế Võng, Tân Hiệp đều có hơn 10 xứ đất khác nhau, các làng xã còn lại có từ 1 đến 5 xứ đất. Đặc biệt, tên gọi các xứ đất này hiện nay vẫn còn được sử dụng gắn với các địa danh ở Hội An như Bến Trễ, Trà Quế, Thanh Chiếm, Hậu Xá, Tu Lễ, Trường Lệ, Bãi Hương, Bãi Làng, Bãi Ông…
Sản xuất
Có thể thấy, hầu hết làng xã đều có đất sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp giữa các làng có tỷ lệ và quy mô khác nhau. Đặc biệt, làng Hội An và làng Minh Hương không có đất trồng trọt, canh tác vì hai làng này hoạt động kinh tế chủ yếu bằng buôn bán, thương mại.
Việc thống kê quá trình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa cũng được khái quát khá chi tiết. Trong năm có 2 vụ sản xuất chính là vụ hè và vụ thu. Ruộng thì được chia thành 3 loại gồm ruộng hạng 1, ruộng hạng 2 và ruộng hạng 3. Có trường hợp một số làng có ruộng canh tác tại các làng bên cạnh như Thanh Hà, Kim Bồng, An Mỹ, Cẩm Phô.
Ngoài phần lớn diện tích canh tác lúa, diện tích trồng dâu cũng chiếm tỷ lệ khá lớn trong một số làng xã, như làng Kim Bồng có 518 mẫu, làng Thanh Hà có 35 mẫu, làng Cẩm Phô có 28 mẫu... Ngoài ra làng Thanh Hà có đất trồng mía gồm 25 mẫu. Riêng làng An Mỹ có trồng cây dừa nước; làng Xuân Mỹ có nghề làm vôi; làng Đế Võng có các nghề đánh bắt sông nước và thủy sản như nghề làm đăng, nò.
Cũng có một số loại đất không sử dụng để sản xuất nông nghiệp như đất cát trắng hoang, đất mộ địa chiếm tỷ lệ khá lớn, như làng Thanh Hà có đất mộ 300 mẫu, đất cát trắng hoang 1.165 mẫu, làng Cẩm Phô có đất mộ 144 mẫu, đất hoang 4 mẫu, làng Hoa Phô có đất mộ 50 mẫu, đất hoang 36 mẫu, làng Đại An có đất hoang 438 mẫu, làng Hội An có đất mộ 46 mẫu.
Địa bạ triều Nguyễn đã góp phần bổ sung nguồn tư liệu khoa học quan trọng nhằm bổ khuyết thông tin cho những nghiên cứu, đánh giá về lịch sử - văn hóa Hội An trong thời gian qua. Những thông tin trong Địa bạ triều Nguyễn đã thể hiện được một cách khá đầy đủ về lịch sử - văn hóa các làng xã ở Hội An từ tên gọi, diện tích, địa danh, đến thông tin các di tích, tín ngưỡng, văn hóa, phong tục tập quán, dân cư, nghề nghiệp…
TECNO trình làng smartphone CAMON 19Pro 5G tại Ấn Độ thông qua chiến dịch quảng bá đậm tính thời trang
TECNO – thương hiệu điện thoại thông minh (smartphone) cao cấp sẽ giới thiệu CAMON 19Pro 5G tại Ấn Độ thông qua chiến dịch quảng bá hào nhoáng mang đậm tính thời trang có tên là “Stylish Affair” (tạm dịch: Phong cách sành điệu ) được khởi động vào ngày 10 tháng 8 vừa qua.
|
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an sinh xã hội
Ngày 25/8 tại tỉnh Quảng Nam, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Cơ quan An sinh xã hội Quốc gia Lào đã có buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2016-2020 và trao đổi, thảo luận, định hướng các hoạt động hợp tác giai đoạn tiếp theo.
|