Plan giúp phụ nữ thiểu số tạo dựng niềm tin từ mô hình vốn vay thôn bản
Plan khảo sát độ an toàn tại các nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt tại Hà Nội Plan: Giúp 800 học sinh làm thủ lĩnh của sự thay đổi Plan giúp nữ giới theo đuổi nghề Công nghệ thông tin |
Mô hình tiết kiệm giúp phụ nữ Đakrông có thêm nguồn vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: Quảng Trị TV |
Ngày đầu bỡ ngỡ
Cách đây tròn 10 năm, tổ chức Plan đã hỗ trợ triển khai mô hình tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản tại 7 xã của huyện Đakrông, trong đó có xã Tà Rụt.
Nhớ lại những ngày đầu, chị Hồ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tà Rụt chia sẻ, khi ấy hầu như hội viên phụ nữ xã chưa định hình được phải làm gì và làm như thế nào. Băn khoăn này cũng là điều dễ hiểu với phụ nữ vùng cao, khi tiền làm ra còn chưa đủ chi tiêu, nói gì đến tiết kiệm. Chưa kể, những hạn chế về khả năng đọc, viết, đếm số có giá trị lớn cũng là một rào cản với nhiều chị em. Bên cạnh đó, tâm lý e dè, nghi ngại của phụ nữ xã Tà Rụt do chưa hiểu rõ về mô hình tiết kiệm, lo sợ mất tiền, hay bị gia đình ngăn cản, phản đối cũng khiến việc triển khai gặp nhiều gian nan.
Những khó khăn này đã dần được tháo gỡ nhờ vào sự đồng lòng chung sức của Hội LHPN huyện, xã, cấp uỷ đảng và các cán bộ quản lí dự án Plan. Kết quả của quá trình vận động tích cực là sự ra đời của 3 tổ đầu tiên với gần 70 hội viên.
Mô hình vay vốn thôn bản được hoạt động dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên. Tổ chức Plan hỗ trợ mỗi tổ tiết kiệm một két sắt nhỏ với ba ổ khóa và do ba người giữ chìa khóa. Mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt 2 lần, tại các buổi sinh hoạt, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình, mỗi hội viên có thể tiết kiệm 20.000 đồng, 40.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng, tối đa là 100.000 đồng vào quỹ này. Cứ 20.000 đồng tương đương với một con dấu, có nhiều nơi hội viên đã tăng mức đóng quy định 50.000 đồng với một con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho những người không biết chữ cùng tham gia. Số tiền của quỹ được dùng quay vòng, cho vay không lấy lãi để thành viên đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.
Trong các buổi sinh hoạt, bên cạnh hoạt động tiết kiệm, cho vay, nhóm còn phổ biến thông tin về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, những mô hình làm ăn mới có hiệu quả để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn cũng như kinh nghiệm tổ chức cuộc sống, nuôi dạy con cái.
Bên cạnh đó, để tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong hội viên, phụ nữ trong chi hội, các thành viên trong tổ tiết kiệm vốn vay bản còn đóng góp thêm nguồn quỹ xã hội để thăm hỏi thành viên lúc ốm đau, hoạn nạn. Qua 10 năm thực hiện, tổng số tiền quỹ xã hội mà các hội viên đóng góp đã lên đến 564 triệu đồng.
“Đến nay mô hình này đã thu hút 100% hội viên tham gia với đủ các lứa tuổi. Ngoài việc hỗ trợ thành lập nhóm, tổ chức tập huấn, hỗ trợ bộ dụng cụ cho các nhóm sinh hoạt thì xã Tà Rụt còn được dự án Plan hỗ trợ triển khai mô hình sinh kế chăn nuôi dê quay vòng theo nhóm và các hội viên đã thực hiện hiệu quả”, chị Hồ Thị Hằng, một thành viên của tổ cho biết.
"Tiếng lành đồn xa", sau 10 năm triển khai mô hình, đến nay xã Tà Rụt đã có 55 tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản với hơn 1.000 thành viên. Đặc biệt, hai tổ ở thôn Tà Rụt 1 và thôn A Đăng có sự tham gia của nam giới.
Nhân rộng tại Đakrông
Từ mô hình của 7 xã đầu tiên gồm A Bung, Mò Ó, A Ngo, Tà Rụt, Hướng Hiệp, Tà Long, Đakrông, mô hình đã được Plan và Hội LHPN địa phương triển khai nhân rộng đến 7 xã còn lại. Đến nay, toàn huyện Đakrông đã có 288 tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản, thu hút sự tham gia của hơn 4.800 thành viên với tổng số vốn huy động được trong 10 năm lên đến hơn 31 tỉ đồng, đã và đang cho vay số tiền hơn 20 tỉ đồng.
Một buổi sinh hoạt của nhóm tiết kiệm thôn bản tại Đakrông. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Huyện Đakrông |
Chị Hồ Thị Lan (thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chị là lao động chính trong gia đình có ba con nhỏ, bố mẹ chồng già yếu, chồng không có việc làm ổn định. Nhờ tham gia chương trình, chị đã được vay vốn để mua con giống, phát triển chăn nuôi dê, cải thiện thu nhập.
“Chương trình đã dạy cho chúng tôi làm thế nào để tiết kiệm được tiền, sử dụng tiền có hiệu quả và tiết kiệm nhất. Mọi người đều được học cách tính toán, từ đó giúp chúng tôi có được khoản tiền đầu tư cho sản xuất, mua sắm áo quần, sách vở cho các con đến trường… ”, chị Lan nói.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình tiết kiệm và vốn vay thôn bản, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền cho biết:
“Trước đây, phụ nữ ít được tham gia vào các hoạt động xã hội. Mặc dù là lực lượng lao động chính tạo ra phần lớn của cải vật chất, nhưng việc cầm tiền, tính toán chi tiêu trong gia đình còn rất xa lạ với chị em, đặc biệt là ở các thôn, bản. Khi tham gia vào nhóm, hằng năm các thành viên được tập huấn về chương trình tiết kiệm và vốn vay thôn bản. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia, tổ chức các hội thi vào các dịp 20/10, 8/3… tạo điều kiện cho các thành viên giao lưu học hỏi lẫn nhau."
"Qua 10 năm triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình, đến nay mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản đã trở nên gắn bó và hữu ích đối với các hội viên phụ nữ, cái được lớn nhất là đã hình thành cho hội viên thói quen tiết kiệm, tính toán chi tiêu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống," Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông khẳng định.
Plan International: Xây điểm trường mầm non tại Mèo Qua, tỉnh Hà Giang Ngôi trường mới sẽ tạo điều kiện cho các em học tập và sinh hoạt tiện nghi, an toàn, sạch đẹp; giúp thầy, cô và ... |
"Nơi chúng cháu sinh sống, tình trạng tảo hôn ngày càng nhiều!" "Người lớn và trẻ em đều biết tảo hôn là trái quy định pháp luật, nhưng tình trạng đó vẫn tiếp tục xảy ra", vấn ... |
Giám đốc Plan Nigeria: Cần sớm có khung hành động cụ thể vì an toàn học đường Trước sự cố sập nhà làm 8 người thiệt mạng, gần 100 người mắc kẹt tại bang Lagos, Nigeria vào sáng nay (14/3), Giám đốc ... |