Phương pháp xử lý rơm thân thiện môi trường ở Việt Nam lên truyền thông quốc tế
Người nông dân thu hoạch rơm. (Ảnh: AFP) |
Gạo là lương thực chính của châu Á đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 10% lượng khí thải methane toàn cầu.
Vi khuẩn sinh trưởng trong ruộng lúa ngập nước tạo ra lượng methane cao. Vi khuẩn này còn phát triển mạnh nếu rơm rạ còn sót lại trên ruộng phân hủy sau khi thu hoạch. Do đó, các nhà khoa học truyền thông điệp rằng không thể bỏ qua gạo trong cuộc chiến giảm khí thải.
Canh nay là nông dân 39 tuổi và giờ đây anh không còn để rơm phân hủy trên cánh đồng hoặc đốt chúng như cha mẹ mình.
Canh đã tham gia một sáng kiến loại bỏ rơm rạ trên đồng ruộng và dùng chúng để trồng nấm, làm phân bón hữu cơ, từ đây kiếm được một khoản thu nhập nhỏ. Canh lựa chọn giải pháp này bởi vẫn nhớ ký ức buộc phải vào nhà trong những ngày khói rơm rạ “bủa vây”.
Canh chia sẻ với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Nếu có thể thu thập rơm và kiếm tiền thì tất cả chúng ta đều có lợi”.
Chương trình này do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức, là một trong số ít chương trình trên khắp Việt Nam và khu vực đang cố gắng giảm dần lượng khí thải methane từ sản xuất lúa gạo.
Người nông dân điều khiển xe chở bao gạo trên cánh đồng ở Cần Thơ. (Ảnh: AFP) |
Nhiều sáng kiến không phải là mới nhưng đã được chú ý kể từ khi có 100 quốc gia ký Cam kết khí methane Toàn cầu vào hai năm trước. Các nước tham gia ký kết đồng ý đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải so với mức của năm 2020. Một số quốc gia trong nhóm sản xuất gạo lớn nhất thế giới như Indonesia, Bangladesh và Việt Nam đã ghi tên trong Cam kết khí methane Toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia ký kết.
Tại Việt Nam, khi mùa thu hoạch sắp kết thúc, nông dân đẩy những chiếc xe chở đầy cuộn rơm. Chúng sau đó sẽ được ngâm nước và trải ra để trồng nấm rơm. Khi nấm trưởng thành được bán đi, người nông dân lấy lại rơm và đưa vào máy ủ phân. Hai tháng sau, nó sẽ sẵn sàng -- và có thể được bán với giá khoảng 3.400 đồng/kg.
Một nông dân khác có tên Le Dinh Du chia sẻ: “Trước đây, một vài người nông dân làm việc này thủ công nhưng tốn nhiều sức lực và chi phí thì cao. Nay chúng tôi giảm được một nửa chi phí và sẽ mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Lúa trải qua một hành trình tốt. Chúng tôi không để lãng phí bất cứ thứ gì”.
Người nông dân dùng xe để thu gom rơm trên đồng ruộng ở Cần Thơ. (Ảnh: AFP) |
Theo trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR, việc xử lý rơm thân thiện với môi trường đã được ứng dụng và phổ biến “rộng rãi đến nông dân và các cán bộ nông nghiệp địa phương” khắp Việt Nam.
Nhà khoa học Bjoern Ole Sander tại IRRI lý giải không giống như các loại cây trồng khác, ruộng lúa có một lớp nước đọng nên không có sự trao đổi không khí giữa đất và không khí. Ông cho biết vi khuẩn trên ruộng lúa ăn các chất hữu cơ và sản sinh khí methane.
Ngoài xử lý rơm, IRRI còn phát động chương trình khác có tên Ướt và Khô xen kẽ (AWD) nhằm giải quyết nước đọng trên ruộng lúa để bổ sung oxy và giảm vi khuẩn tạo khí methane. AWD đã được áp dụng trên hơn 200.000 ha đất trồng lúa ở tỉnh An Giang và CGIAR đánh giá nó đã tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Đối với người nông dân, họ rất tự hào khi được đóng góp vào nền nông nghiệp bền vững hơn đồng thời thu được nhiều lợi ích nhất từ vụ mùa của họ. Anh Canh chia sẻ: “Chúng tôi đã sống cuộc sống khó khăn. Nhưng một khi nhận ra cách tận dụng rơm, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn".
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AFP)
Việt Nam - Hoa Kỳ phối hợp điều tra, xử lý các vụ án kinh tế có yếu tố nước ngoài Ngày 13/2, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có buổi làm việc với bà Katherine Tai, Trưởng Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR). Bộ trưởng đề nghị hai bên tăng cường phối hợp trong công tác điều tra, trao đổi, xác minh thông tin các vụ án kinh tế có yếu tố nước ngoài thông qua kênh tương trợ tư pháp về hình sự. |
Pháp sẵn sàng hợp tác với TP.HCM trong lĩnh vực xử lý nguồn nước, xây dựng đô thị thông minh TP.HCM mong muốn kết nối hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Pháp và TP.HCM, nhất là trong lĩnh vực Pháp có thế mạnh và TP.HCM có nhu cầu lớn như hạ tầng năng lượng, xây dựng đô thị thông minh... |