Phụ nữ dân tộc thiểu số làm công việc không lương gấp hơn 2 lần nam giới
Gánh nặng công việc chăm sóc không lương khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản (Ảnh: Báo Phụ nữ Thủ đô). |
Hội thảo “Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo Tổ chức về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): Trên thế giới, phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới từ 2 -10 lần. Sự phân bổ không đồng đều về trách nhiệm chăm sóc này có liên quan đến các thể chế xã hội còn định kiến về vai trò giới. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác dẫn đến gánh nặng công việc chăm sóc không lương bao gồm các công trình hạ tầng chưa đề cao tính nhạy cảm về giới hay thiếu dịch vụ chăm sóc có chất lượng.
Ở Việt Nam, theo nghiên cứu tổng quan, phụ nữ dành khoảng 20,1 giờ mỗi tuần cho công việc chăm sóc không lương, gần gấp đôi thời gian của nam giới dành cho công việc này (10,7 giờ mỗi tuần). Đáng chú ý, trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn, điều này trở thành một trong những trở ngại để phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.
Từ một số nghiên cứu mới nhất về công việc chăm sóc không lương trong các cộng đồng dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang và Lai Châu, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, đại diện nhóm nghiên cứu Trung tâm Phân tích và Dự báo cho biết, trung bình mỗi ngày một phụ nữ dân tộc thiểu số dành khoảng 5 giờ cho các công việc chăm sóc không lương, nhiều hơn nam giới 2,1 giờ. Chỉ tính giá trị kinh tế của công việc chăm sóc không lương, trung bình một phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp khoảng 2,7 triệu đồng vào thu nhập hàng tháng của hộ gia đình, tương ứng khoảng 52,4% tổng thu nhập của hộ...
Theo Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam Lê Kim Dung, bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc. Theo đó, giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết gánh nặng công việc chăm sóc không lương, góp phần thúc đẩy cơ hội tham gia vào thị trường lao động một cách công bằng và hiệu quả cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao phúc lợi của hộ gia đình.
Nhằm giải quyết vấn đề gánh nặng công việc chăm sóc không lương, CARE Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các nghiên cứu để tìm hiểu bằng chứng và thiết kế các can thiệp nhằm giúp cộng đồng và các bên liên quan nhìn nhận đúng thực trạng việc phân bổ công việc chăm sóc không lương và giá trị của loại công việc này đối với gia đình và xã hội; từ đó tìm ra giải pháp cho việc thay đổi khuôn mẫu xã hội, tăng vai trò của nam giới, đồng thời cải thiện sự sẵn có và tiếp cận được của các dịch vụ chăm sóc.