Phim lấy cảm hứng từ lịch sử: Dấn thân vì khán giả
Sự vào cuộc mạnh dạn
Bộ phim “Bình minh đỏ” do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất ra mắt cuối tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, đã gây xúc động với đa số khán giả. Đây là phim về đề tài chiến tranh cách mạng, được Nhà nước đặt hàng, do Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành đạo diễn, từ kịch bản của tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt. “Bình minh đỏ” lấy cảm hứng từ hoạt động của Trung đội nữ lái xe mang tên nữ Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ở tuyến “lửa” Trường Sơn…
Trong đó, nhân vật chính là bốn nữ chiến sĩ lái xe tuổi đôi mươi: Châu (Phạm Quỳnh Anh đóng), Sa (Phạm Bảo Hân đóng), Thương (Hà Phương Anh đóng), Hân (Hoàng Bích Phương đóng). Ngoài Bảo Hân là diễn viên quen thuộc trên truyền hình với phim “Về nhà đi con”, các diễn viên còn lại đều là những gương mặt mới của điện ảnh. Họ đã hóa thân thành công hình ảnh những nữ thanh niên xung phong sôi nổi, nhiệt huyết, lãng mạn và can trường.
Trước đó, năm 2020, bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” về những nữ thanh niên xung phong giữa Trường Sơn bom đạn của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đã gây “sốt” tại các rạp chiếu phim trên cả nước, được truyền thông và mạng xã hội quan tâm.
Ngoài phim do Nhà nước đầu tư, một số đơn vị tư nhân cũng đang mạnh dạn thực hiện những bộ phim lấy cảm hứng từ lịch sử. “Trưng Vương” là dự án phim huyền sử về hai nữ vương Trưng Trắc và Trưng Nhị, đang được nhà sản xuất Janet Ngô và Trương Ngọc Ánh đầu tư thực hiện. Trước khi ra mắt phim truyện, nhà sản xuất đã tung ra loạt phim hoạt hình ngắn về các nữ tướng sát cánh cùng Hai Bà Trưng và nhận được phản hồi tích cực của khán giả.
Dự án phim dã sử “Quỳnh hoa nhất dạ” lấy cảm hứng từ cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê, cũng đang được sản xuất và dự định ra mắt trong năm 2022. Phim do diễn viên Thanh Hằng là nhà sản xuất, đồng thời vào vai chính. Sau “Phượng khấu”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng ê kíp cũng đang thực hiện dự án phim 5 tập “Huyết rồng” có nội dung xoay quanh thời khắc chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý…
Yếu tố tạo nên sự hấp dẫn
Phim truyện có yếu tố lịch sử tuy nhiều chất liệu khai thác, nhưng để sản xuất thành công một bộ phim lại không dễ. Nhiều tác phẩm dù được Nhà nước đặt hàng, làm chỉn chu, song chưa thu hút được khán giả mua vé, nhất là những công chúng trẻ hôm nay. Do đó, đổi mới để chinh phục khán giả là điều mà các nhà làm phim luôn trăn trở.
“Bình minh đỏ” tuy mới có một buổi chiếu ra mắt, nhưng hứa hẹn khi chiếu rạp thương mại cũng tạo sức hút. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành đã kể câu chuyện về thời chiến không lên gân, giáo điều, không nhiều kịch tính mà khai thác những yếu tố giản dị trong cuộc sống của những nữ anh hùng. “Con đường đến với khán giả gần nhất là sự chân thật. Những sinh hoạt đời thường, ước mơ bình dị, suy nghĩ, hành động giản dị sẽ tương phản với sự khốc liệt của chiến tranh, tạo dấu ấn với người xem”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh Vân bày tỏ.
Nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh với phim “Trưng Vương” cho biết, đoàn làm phim phải dành thời gian nghiên cứu kỹ về lịch sử, bối cảnh, phục trang, đạo cụ... để đầu tư sáng tạo, bảo đảm tính chân thực. Nhà sản xuất, diễn viên Thanh Hằng của “Quỳnh hoa nhất dạ” chia sẻ, làm phim cổ trang trong bối cảnh điện ảnh hiện nay, không chỉ khó về kinh phí, mà còn ở đòi hỏi cao của khán giả về sự cân đối giữa yếu tố lịch sử và giải trí. Vì thế, trước khi làm phim, các nhà sản xuất phim “Trưng Vương”, “Quỳnh hoa nhất dạ”, “Huyết rồng” đã thực hiện nhiều dự án nhỏ, như: Sản xuất phim hoạt hình, thi viết về ý nghĩa tên phim, tham khảo ý kiến của khán giả, cộng đồng mạng về mong muốn ở một bộ phim có yếu tố lịch sử…
Trong khi đó, diễn viên, các nghệ sĩ trẻ có khả năng tạo được sức hút với khán giả thường được các nhà làm phim lựa chọn khi thực hiện đề tài này. Diễn viên Bảo Hân, vai Sa trong “Bình minh đỏ” cho hay: “Để hóa thân vào những nhân vật trong phim, các diễn viên phải đọc và xem nhiều tài liệu, phim về chiến tranh, phải tập lái xe tải trên những địa hình gập ghềnh, hiểm trở nhiều ngày… Song, tôi cảm thấy vinh dự khi được đóng góp để tái hiện thời kỳ oanh liệt của đất nước, về những chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh vì tình yêu đất nước và ước mơ được hòa bình mà không nghĩ tới bản thân”.
Khán giả Nguyễn Minh Anh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Phim lịch sử nhưng pha thêm yếu tố tình cảm, tâm lý, hài hước, bí ẩn…, khiến khán giả trẻ thích thú theo dõi hơn”.
Thực hiện tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng sự dấn thân, nỗ lực sáng tạo của những người làm phim chắc chắn sẽ đưa tác phẩm đó đến với nhiều người xem hơn, để tất cả không chỉ thưởng thức tác phẩm mà còn thêm hiểu và trân trọng lịch sử đất nước.
Theo An Nhi, Báo Hà Nội mới.