Phát triển cơ sở dữ liệu hỗ trợ người khuyết tật trong phòng chống thiên tai
Thu thập được 594 điểm dữ liệu
Phát biểu tại chương trình, bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm qua hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật nhưng các hoạt động biển đổi khí hậu vẫn còn hạn chế.
Bà Huyền cho biết, việc phát triển cơ sở dữ liệu trong phòng chống thiên tai này sẽ hỗ trợ cho người khuyết tật một cách kịp thời.
Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Mỹ Đức cho biết dự án đã tiếp cận và thu thập thông tin từ nhiều gia đình có người khuyết tật trên địa bàn ba xã Hợp Tiến, An Tiến, Hùng Tiến và 9 xã khác thuộc huyện Mỹ Đức.
Quang cảnh buổi chia sẻ. |
Các nhóm thu thập thông tin đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đến thời điểm hiện tại, nhóm đã thu thập thông tin vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào thành công của dự án.
“Chúng tôi coi đây là một cơ hội quý báu để rút ra kinh nghiệm và bài học, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại huyện Mỹ Đức trong tương lai”, ông nói.
Ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội, Quản lý dự án cho biết dự án được thực hiện từ ngày 15/7- 15/12/2024. Kết quả thu thập được 594 điểm dữ liệu sạch.
Ông Khoát mong muốn Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tiếp tục tài trợ cho Hội giai đoạn 2 của dự án: Phát triển phần mềm cho toàn huyện Mỹ Đức và toàn thành phố Hà Nội và giai đoạn 3 áp dụng phần mềm quản lý hội viên để hỗ trợ cho Người khuyết tật được tốt nhất.
Công cụ hữu hiệu phòng chống thiên tai
Ông Aldo De Luca, Tham tán, Phó Đại sứ Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết, đây là một dự án có ý nghĩa bởi vì đã đáp ứng thực tiễn nhu cầu của xã hội, là công cụ hữu hiệu phòng chống thiên tai, đặc biệt với người khuyết tật.
Phó Đại sứ cho biết, phòng chống không chỉ giúp ứng phó với thảm họa mà còn hỗ trợ việc xác định những đối tượng trong thảm họa cần quan tâm. Dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế trong xã hội mà còn mang tính đổi mới cao khi sử dụng công nghệ số hiện đại để thu thập dữ liệu.
“Dự án đã thành công và hoàn toàn có thể triển khai ở các địa bàn khác của Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước”, Phó đại sứ chia sẻ.
|
Để dữ liệu phát huy được giá trị của dữ liệu GPS phục vụ công tác quản lý hội và công tác phòng chống thiên tai, bà Đỗ Thị Hồng Nhung - Chuyên gia tư vấn Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai (DMPTC) đưa ra các đề xuất. Cụ thể: Thu thập bổ sung thông tin dữ liệu về hộ người khuyết tật và công trình dân sinh kinh tế kết hợp phòng chống thiên tai tại các xã, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Xây dựng, phát triển hoặc nâng cấp các công cụ hỗ trợ công tác Hội dựa trên việc tích hợp các dữ liệu về thông tin người khuyết tật trên cơ sở dữ liệu GPS.
Xây dựng, phát triển các công cụ hỗ trợ cung cấp thông tin cảnh báo sớm đến người khuyết tật và cung cấp các thông tin các hộ người khuyết tật cần sơ tán sớm ưu tiên đến Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã, huyên, thành phố.