Quảng Trị: Người khuyết tật dân tộc thiểu số miền núi vươn lên độc lập tài chính nhờ nghề thủ công
Người khuyết tật ở các xã miền núi Quảng Trị được dạy nghề làm chổi đót, giúp mọi người vươn lên trong cuộc sống, độc lập về tài chính (Ảnh: Plan International). |
Nhiều năm qua, cuộc sống của các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô ở địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy nên với người khuyết tật công việc càng nặng nhọc và khó khăn bội phần.
Tổ chức Plan International và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật tại xã Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) nhằm giúp họ có nghề nghiệp để có thể mưu sinh phù hợp.
Tổ sản xuất chổi đót của người khuyết tật xã Đakrông được thành lập ngày 19/5/2023, gồm có 23 thành viên với độ tuổi từ 17 đến 70 tuổi. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là cuộc sống khó khăn nên mọi người dễ đồng cảm, chia sẻ yêu thương, luôn nêu cao tinh thần làm việc nhóm và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Đã có nhiều "tấm gương" người khuyết tật đã vươn lên, vượt qua hoàn cảnh, để trở nên tự tin, độc lập, tự chủ tài chính nhờ các lớp học nghề chổi đót. Câu chuyện của ông Hồ Văn Khon ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông là ví dụ điển hình. Mùa hè năm 2002, ông Hồ Văn Khon không may cuốc phải bom bi trong lúc làm cỏ sắn trên rẫy. Tai nạn ập đến bất thình lình, gia đình ông vốn khó lại càng thêm khó. Vợ chồng ông Khon có 6 người con, mọi khó khăn đều dồn lên đôi vai người đàn ông trụ cột.
Ông Hồ Văn Khon ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông - thành viên của yổ sản xuất chổi đót của người khuyết tật (Ảnh: Plan International). |
Sau khi Tổ sản xuất chổi đót của người khuyết tật xã Đakrông ra đời, ông Khon đã mạnh dạn tham gia lớp đào tạo nghề trong thời gian 10 ngày. Giờ đây mỗi ngày ông Khon có thể làm được 4 cái chổi, còn vợ ông làm được 8 cái. Đầu năm 2024, con trai của ông Khon đã dành ra hơn 30 triệu đồng mua 1 tấn nguyên liệu nhằm giúp bố mẹ có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, sợi mây để buộc, thân cây tre để làm cán chổi thì hai vợ chồng ông Khon cùng nhau vào rừng khai thác để giảm bớt chi phí.
Ông Hồ Văn Khon (ảnh phải) cho biết tham gia học nghề chổi đót giúp ông thêm tự tin hòa nhập cùng mọi người (Ảnh: Plan International). |
Ông Hồ Văn Khon - thành viên của tổ sản xuất chổi đót tâm sự: “Từ khi tham gia vào Tổ sản xuất chổi đót vợ tôi không còn nỗi lo phải mang chổi đi bán rong như trước đây, vì đã có thành viên trong tổ sản xuất lo tìm kiếm và kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Vừa rồi chúng tôi còn được Tổ chức Plan cho đi tham quan cơ sở sản xuất chổi ở tỉnh Quảng Nam thì mới biết 01 kg đót họ làm được 4 cái chổi, còn chúng tôi chỉ làm 2 cái, vì vậy chúng tôi sẽ điều chỉnh để giảm bớt nguyên liệu cần thiết từ đó giảm bớt chi phí. Tôi cũng hy vọng trong quá trình mọi người làm việc nhóm thì sẽ có điều kiện để sáng tạo, từ đó sản phẩm sẽ ngày càng tốt và đẹp hơn”.
“Công việc làm chổi đót không chỉ giúp cho gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn đinh, mà còn giúp cho bản thân tôi tự tin hòa nhập cùng mọi người. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn…”, Ông Khon cho biết thêm.
Ông Hồ Văn Nươi năm nay 70 tuổi, bị khuyết tật vận động do chiến tranh. Ông Nươi lập gia đình muộn, hiện tại cả 3 người con đều đang đi học, còn vợ ông thương xuyên đau ốm từ nhiều năm nay,“Tôi thì già yếu, không còn đủ sức để làm công việc nương rẫy. Sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề làm chổi đót, tôi luôn cố gắng làm việc chăm chỉ để có thêm thu nhập cho gia đình. Cảm ơn tổ chức Plan và Đại sứ quán Ireland đã giúp đỡ những người khuyết tật chúng tôi có nghề nghiệp để mưu sinh”, Ông Nươi chia sẻ.
Đoàn Đại sứ quán Ireland do Quốc vụ khanh Bộ Tư Pháp Ireland dẫn đầu thăm Tổ sản xuất chổi đót của người khuyết tật xã xã Đakrông (Ảnh: Plan International). |
Sau khi thành lập, các thành viên của nhóm làm chổi đót xã Đakrông đã xây dựng quy chế hoạt động, lựa chọn thời gian, địa điểm làm việc, xây dựng nguồn quỹ chung… Vào thứ Hai hàng tuần cả tổ lại cùng nhau làm việc tại nhà văn hóa cộng đồng thôn Ka-lu, như vậy mỗi tháng mọi người có 4 ngày làm việc chung, và tùy vào khả năng của mình mỗi người sẽ đảm nhận mỗi phần việc.
Trong năm 2023, nhóm đã sản xuất được 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, số tiền bán chổi thu được là 20 triệu đồng, trong số đó đã dành 14 triệu đồng để phân chia lợi nhuận, mỗi thành viên được hơn 600 nghìn đồng, số tiền còn lại 6 triệu đồng được dùng mua nguyên liệu để sản xuất vào năm sau.
Năm 2024, nhờ chủ động về nguồn nguyên liệu nên chỉ trong 3 tháng, từ tháng 1 đến tháng 3 cả tổ đã sản xuất được 1200 cái chổi, thu được 48 triệu đồng. Trong đó sản phẩm làm việc nhóm là 200 cái, số còn lại 1000 cái do các thành viên khác tự làm tại nhà.... Về thị trường chổi đót hiện nay chủ yếu là thành phố Đông Hà và thành phố Huế. Sắp tới khi sản lượng chổi tăng lên tổ sản xuất sẽ cố gắng mở rộng thị trường ra các tỉnh, nhất là các thành phố lớn…
Hiện nay, ngoài nghề làm chổi đót, người khuyết tật ở khu vực miền núi còn có kỹ năng đan lát gắn với những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày từ mây tre như a chói, a đư, rổ, rá… Việc mở các lớp đào tạo nghề phù hợp không chỉ giúp người khuyết tật có điều kiện để vươn lên trong cuộc sống, nhất là khả năng độc lập về tài chính cho bản thân, mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, giữa núi rừng Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị.
Children of Viet Nam hỗ trợ tỉnh Quảng Trị hơn 9,4 tỷ đồng phát triển cộng đồng Ngày 29/7, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có Quyết định số 1867/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Hỗ trợ phát triển cộng đồng giai đoạn 2024-2028” do tổ chức Children of Viet Nam (COV) tài trợ có tổng vốn thực hiện hơn 9,4 tỷ đồng. |
Quảng Trị (Việt Nam) và Mukdahan (Thái Lan) thúc đẩy hợp tác 3 lĩnh vực trong giai đoạn 2025-2030 Ngày 5/8, tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị) diễn ra lễ ký kết Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2025 - 2030 giữa tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và tỉnh Mukdahan (Thái Lan). Các lĩnh vực hai bên thúc đẩy hợp tác là: kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch; đào tạo, lao động và phát triển nguồn nhân lực; truyền thông và xúc tiến quảng bá. |