Pháp luật cần tăng cường bảo vệ quyền của người cao tuổi
Trong bối cảnh quá trình già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh trên thế giới và Việt Nam, hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên chuyên ngành Luật và các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội chia sẻ thông tin, và thảo luận về các vấn đề liên quan đến quyền của người cao tuổi.
Tại hội thảo, cơ chế pháp luật dành cho nhóm đối tượng này ở Việt Nam và quốc tế đã được đề cập.
Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội -ĐHQG HN), Liên hợp quốc đã xếp người cao tuổi vào nhóm yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có Luật Người cao tuổi, có hiệu lực từ năm 2010, được thông qua bởi Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6. Sở dĩ có luật dành cho người cao tuổi, là bởi bên cạnh nguy cơ bị giảm sút sức khỏe thể chất, tâm thần, đây là nhóm đối tượng dễ rơi vào hoàn cảnh bị đói nghèo cũng như dễ bị lạm dụng, ngược đãi, bỏ mặc. Tuy nhiên, trên thực tế việc xây dựng các luật liên quan cũng như giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền người cao tuổi còn nhiều bất cập.
PGS.TS. Julie Debeljak phát biểu tại hội thảo
Ví dụ quyền tự do và an ninh của con người thuộc nhóm quyền dễ bị tổn thương nhất của người cao tuổi, nhưng hiện tại, chưa có quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi ngược đãi người cao tuổi.
Hành vi này mới chỉ được đề cập trong Điều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù (tình tiết tăng nặng lên trong trường hợp đối tượng chịu tổn thương là “người già yếu”).
Còn theo bà Phạm Tuyết Nhung, Phó ban Đối ngoại Hội Người cao tuổi Việt Nam, ngoài nguy cơ bị ngược đãi, bạo lực, người cao tuổi còn phải đối mặt với việc bị lạm dụng sức lao động trong gia đình, (điển hình như việc chăm sóc con cháu - công việc không lương); bị cư xử thờ ơ, bị coi là gánh nặng. Tuy nhiên, những vấn đề này chưa được đưa vào các luật về người cao tuổi.
Theo nhóm nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Lan, Trần Thị Thu Hằng, Trần Thị Ánh Hồng, khoa Luật, ĐHQG HN, sở dĩ xảy ra tình trạng người cao tuổi bị bóc lột, ngược đãi là do người cao tuổi chưa nhận thức được việc mình đang bị lạm dụng; do tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng”; do tình thương đối với con cháu; “trong khi chủ đề về lạm dụng người cao tuổi hiếm khi được thảo luận trong các cuộc họp về chính sách, ít được ưu tiên nghiên cứu và chỉ được giải quyết bởi một số ít các tổ chức”.
Qua những thực trạng trên, các đại biểu đã đưa ra ý kiến đề xuất để khắc phục. Theo GS.TS.Nguyễn Đăng Dung, giảng viên khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, để đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi, cần có chủ trương, chính sách tiếp cận dưới góc độ nhân quyền, thay cho góc độ phúc lợi xã hội.
Bên cạnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn tiến bộ trong lĩnh vực này cũng được đề cập đến.
Chia sẻ kinh nghiệm của Australia trong vấn đề quyền người cao tuổi, PGS.TS. Julie Debeljak (Khoa Luật, ĐH Monash, Australia) cho biết: Hiến pháp của Australia tuy chưa có luật cho người cao tuổi, song có luật chống phân biệt đối xử khá toàn diện, chống phân biệt đối xử một cách gián tiếp, trực tiếp, trải rộng trong nhiều nội dung như giáo dục, nghề nghiệp, tiếp cận dịch vụ, nhà ở, trong cả khối công lập và tư nhân.
Đặc biệt, tại Australia, có riêng ủy ban nhân quyền quốc gia và các ủy ban thuộc tiểu bang, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền và lợi ích pháp lý cho người cao tuổi.
“Các ủy ban địa phương có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hòa giải miễn phí, thủ tục đơn giản cho những tranh chấp, phân biệt đối xử đối với đối tượng người cao tuổi. Nếu các vụ việc này được giải quyết ổn thỏa tại UB này, các vụ việc sẽ không cần giải quyết tại tòa án nữa,” bà nói.
Bên cạnh đó, ủy ban cũng đóng vai trò làm đầu mối vận động chính sách vì họ nghiên cứu khá sâu về quyền người cao tuổi, bà cho biết thêm.
"Australia đang nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thiện luật về người cao tuổi tại LHQ, với vai trò là một thành viên của hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc” PGS.TS. Debeljak khẳng định.
Phi Yến