Ở nhà cách ly xã hội, vợ cả ngày nấu ăn và luôn miệng hỏi 'thích ăn gì'
Bắc Ninh thông tin chính thức về người phụ nữ tử vong nghi mắc COVID-19 |
Con trai và con dâu bệnh nhân 251 về từ Hà Nội âm tính COVID-19 |
Vậy là đã 1 tuần gia đình tôi thực hiện nghiêm túc chỉ thị cách ly xã hội, phòng chống Covid-19. Mọi thành viên trong gia đình từ ban đầu có chút xáo trộn, giờ đã dần quen với lịch sinh hoạt lặp đi lặp lại "ăn - chơi - ngủ" và chỉ di chuyển trong phạm vi ngôi nhà. Vợ tôi có lẽ là người được ra ngoài “hít gió trời” nhiều nhất vì còn phải đi chợ và siêu thị mua thực phẩm cũng như đồ dùng thiết yếu khác.
(Ảnh: Tô Hưng Giang) |
Sau 1 tuần ở nhà cách ly xã hội, tôi chiêm nghiệm ra nhiều thứ. Có lẽ do có nhiều thời gian rảnh hơn. Nhà giờ đây vừa là “công sở”, vừa là nơi “vui chơi giải trí”, kiêm luôn cả nhà hàng ăn uống, phòng tập gym. Trước khi có dịch, gia đình tôi vốn rất bận rộn, cả ngày hai vợ chồng đi làm, hai đứa trẻ đi học. Buổi tối về tranh thủ ăn nhanh nhanh chóng chóng để cho chúng nó còn học bài. Cái guồng quay gấp gáp đó cứ như thế biết bao năm nay, nhà đúng như một nơi nghỉ trọ, vì chỉ có buổi tối mọi người mới quay trở về. Thế rồi, dịch Covid-19 ập tới, lây lan khắp toàn cầu, và thay đổi mọi thứ, như thế nào thì mọi người cũng đều đang cảm nhận được.
Với gia đình tôi, thời gian đầu mọi người đều thấy khó chịu, bí bách vì phải ở nhà quá nhiều. Vợ tôi là người hay cáu kỉnh nhất, thường xuyên quát tháo cả ngày vì phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Trước kia, vợ tôi chỉ việc nấu một bữa tối, bữa sáng và bữa trưa gia đình đều ăn ngoài hàng, thì nay vợ phải nấu ngảy đủ 3 bữa. Nấu xong lại dọn dẹp, chưa kể nghĩ món ăn cũng đau hết cả đầu. Trong khi đó việc cơ quan dù được làm việc tại nhà nhưng vẫn phải đảm bảo. Ngoài ra, còn phải dạy con học, bày trò cho con chơi và vận động. Thú thực, thời gian đầu ở nhà, mọi thứ đều rất lộn xộn, tâm trạng mọi người cũng chẳng mấy vui vẻ vì ít hoạt động thể chất, nhiều công việc đình trệ.
Nhưng ở nhà mãi cũng thành quen, dần dần vợ chồng tôi tìm được cách thích nghi với cuộc sống 24/24 ở trong nhà, biết chấp nhận thực tại hơn. Dù gì đây cũng là biện pháp tốt nhất bảo vệ mình và người thân trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan toàn cầu.
Khi tâm lý đã thoải mái và không còn sự bất mãn, hai vợ chồng tôi bắt đầu xây dựng lại lịch sinh hoạt kỷ luật hơn. Dù ở nhà nhưng mọi người vẫn đều dậy sớm như những ngày trước kia. Chúng tôi làm việc tập trung trong một khoảng thời gian nhất định, đảm bảo công việc hiệu quả mà không bị dàn trải, thời gian còn lại dành cho con cái. Bọn trẻ bị cuồng chân vì không được chạy nhảy, thế nên cũng quậy phá hơn bình thường.
Vợ tôi trước kia tìm niềm vui ở mua sắm, tán gẫu với đồng nghiệp, bạn gái, thì nay nhờ ở nhà quá nhiều mà bỗng nhiên cô ấy lại yêu thích bếp núc. Tôi nói đùa trêu vợ: “hơn chục năm sống với nhau, được em vào bếp nấu cơm cho không bằng mấy tuần vừa rồi”. Quả thật, trước đây vợ tôi không thích nấu nướng, lý do chính vì không có thời gian. Cuối tuần cả nhà thường ăn ngoài hàng, chứ ít khi bày vẽ món này món nọ.
Vậy mà từ hồi nghỉ cách ly, vợ tôi giống như một đầu bếp thực thụ, chịu khó tìm món này món nọ, học theo các công thức nấu ăn trên mạng rồi nấu, nấu và nấu. Còn tôi và các con có nhiệm vụ ăn và ăn. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều nhất về chủ đề “ăn gì”. Tối ăn xong vợ hỏi sáng mai muốn ăn gì, ăn sáng xong lại hỏi tiếp trưa sẽ ăn gì, đến tối vừa rửa bát xong vợ lại hỏi thế mai ăn gì nhỉ. Nhiều lúc tôi nghĩ giá mà không phải nghĩ hôm nay ăn gì thì đỡ tốn nếp nhăn biết bao.
Nhiều lúc tôi cũng muốn cáu nhưng lại kiềm chế lại, vì nghĩ đâu dễ gì tìm được niềm vui giải trí trong những ngày dịch bệnh thế này. Hơn nữa, đâu phải mỗi mình vợ tôi như vậy. Tôi dám chắc các gia đình khác cũng thế. Hết dịch Covid-19, có lẽ gia đình nào cũng sẽ đủ khả năng đi thi Master Chef mất thôi.
Dịch bệnh xảy ra là điều không ai muốn, mọi người đều mong dịch sớm qua đi, cuộc sống trở lại bình thường như trước kia. Nhưng trong lúc dịch vẫn chưa bị dập tắt, thì việc nghĩ lạc quan hơn chút giúp chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
“Nhờ” dịch Covid-19, mà gia đình tôi ăn uống lành mạnh hơn. Các con được ăn nhiều món ngon mẹ nấu thay vì ngày xưa toàn ăn trứng rán, xúc xích, rồi uống sữa tươi trừ bữa. “Nhờ” Covid-19 mà tôi được ở bên các con nhiều chưa từng có. Trước đây, chúng nó cả ngày đi học, tối lại học thêm, cuối tuần cũng học thêm ngày thứ 7, làm gì có thời gian mà nói chuyện, vui đùa với bố mẹ.
“Nhờ” Covid-19 mà tôi trở thành thầy giáo toàn thời gian của con, quên hẳn khái niệm phó mặc hoàn toàn việc học của con cho nhà trường.
Cũng “nhờ” con virus corona đó, mà vợ chồng tôi thấy rằng sức khỏe là tài sản giá trị nhất. Mỗi buổi sáng ngủ dậy lên mạng đọc tin tức về hàng trăm đến hàng nghìn người tử vong ở mỗi quốc gia vì Covid-19 khiến tôi nghiêm túc thực hiện tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Hai vợ chồng đều sợ…chết, cam kết không thức khuya nữa mà ngủ sớm, dậy sớm, năng vận động.
Những ngày ở nhà cách ly toàn xã hội, tôi thấy mình vẫn may mắn hơn bao giờ khi có nhà là nơi trú ẩn an toàn, vẫn có công việc để làm, vẫn có tiền để nuôi vợ nuôi con. Có hàng nghìn người ngoài kia gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, tôi may mắn không nằm trong số đó. Vì vậy, chẳng có lý do gì để than vãn, kêu ca và bất mãn trong thời điểm này. Được sống khỏe mạnh và nhìn những người thân yêu bên mình cũng khỏe mạnh, đã là một đặc ân quý giá nhất rồi.
6 nhóm đối tượng nào được hưởng gói hỗ trợ vì dịch Covid-19? Ngày 6/4, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo ... |
Tổng thống Trump cảm ơn Việt Nam gửi đồ bảo hộ y tế, giúp Mỹ đối phó Covid-19 Tổng thống Trump ngày 8/4 cho biết 450.000 bộ đồ bảo hộ từ Việt Nam đã được chuyển đến Texas. Ông gửi lời cảm ơn ... |
Mỹ: Gần 14.500 người tử vong, 1,5 triệu người rơi vào cảnh vô gia cư vì Covid-19 Tính tới chiều 8/4, số người chết ở Mỹ đã lên tới gần 14.500 trong khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã ở mức hơn 423.000. Số ... |