Nơi vùng biên Lao Chải
Những con đường liên thôn, liên xóm đã dần được bê tông hóa; những khoảng đất đồi trống khô cằn nay đã rợp màu xanh của đồi chè Shan tuyết, Thảo quả, Sa nhân… Cuộc sống của đồng bào Mông xã Lao Chải có sự đổi thay đáng kể từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước; từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và từ chính đôi bàn tay cần cù lao động của những người nông dân “một nắng hai sương” nơi mảnh đất biên thùy.
Vén màn sương sớm, chúng tôi tìm về xã Lao Chải vào một ngày cuối năm. Vừa đến đầu thôn Bản Phùng đã bắt gặp các hộ gia đình đang tập kết vật liệu và vận chuyển đến tuyến đường liên xóm để đổ bê tông. Mỗi người một việc, ai nấy đều rất khẩn trương và miệt mài. Từ lượng xi măng được Nhà nước hỗ trợ, bà con nhân dân đã đóng góp để mua vật liệu và góp ngày công hoàn thiện được trên 2 km đường nội thôn. Hiện tại, các hộ đang tiếp tục thi công những nhánh đường còn lại.
Chủ tịch UBND xã Lao Chải, Mương Văn Lạc cho biết: “Với địa hình có độ dốc cao cùng kết cấu thổ nhưỡng không ổn định, chủ yếu là đất pha cát, dễ sạt trượt nên việc thi công các tuyến đường bê tông ở đây rất vất vả. Vượt lên trên những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung huy động nhân lực, vật lực cùng với sự chung sức, đồng lòng của bà con nhân dân, đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được trên 9 km đường giao thông nông thôn, tu sửa các tuyến đường được trên 6,2 km, giúp nhân dân thuận tiện hơn trong việc đi lại và giao thương hàng hóa”. Nhìn những cung đường bê tông như dải lụa uốn theo sườn núi, chúng tôi hiểu rằng đó là cả một sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây. Bởi, trong quá trình thi công, hầu hết bà con vận chuyển vật liệu bằng xe máy hoặc gùi, cõng bộ; nhưng sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã phủ “tấm áo” bê tông phẳng phiu lên những con đường gập ghềnh, lầy lội trước kia, đem đến một diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn của xã.
Cùng với việc nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng đôi bàn tay cần cù và óc sáng tạo, người dân xã Lao Chải đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Điển hình có thể kể đến mô hình trồng cây Sa nhân ở thôn Bản Phùng và Lùng Chu Phùng. Sau khi đi tham quan, học tập mô hình trồng cây dược liệu ở các địa phương, nhận thấy điều kiện khí hậu của xã phù hợp để phát triển cây dược liệu, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi một phần diện tích Thảo quả sang trồng cây Sa nhân. Hiện tại, toàn xã trồng được 2 ha, qua 2 năm thử nghiệm, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo lãnh đạo xã Lao Chải, Sa nhân là mô hình trồng thử nghiệm đầu tiên ở xã và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đây là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, giá trị kinh tế cao và có khả năng chống xói mòn đất, giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện, mỗi kg Sa nhân khô có giá khoảng 300.000 đồng/kg. Theo tính toán, cây Sa nhân trồng dưới tán rừng tự nhiên sau khoảng 3 năm sẽ cho thu nhập 100 triệu đồng/ha và những năm tiếp theo năng suất sẽ cao hơn. Không những hưởng lợi về kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó, người dân tiếp tục phát triển các cây trồng thế mạnh, trong đó có cây chè Shan tuyết. Nằm dưới dải núi Tây Côn Lĩnh với khí hậu mát mẻ quanh năm, chè Shan tuyết Lao Chải có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã tích cực vận động nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong khâu chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời, chú trọng liên doanh, liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chè của địa phương. Theo ước tính, mỗi ha chè, người dân thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ trồng chè. Ngoài ra, phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ cũng là một hướng đi giúp giảm nghèo bền vững ở Lao Chải. Với tổng đàn gia súc trên 1.000 con, xã đang tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bỏ tập quán thả rông sang nuôi nhốt để nâng cao thu nhập.
Rời Lao Chải khi những tia nắng ấm áp đang len khắp rặng cây, sườn núi. Một mùa Xuân mới đã gần kề, cùng với ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên, nỗ lực xây dựng cuộc sống mới của đồng bào, tin chắc rằng Lao Chải sẽ sớm khoác lên mình một “tấm áo” mới, tạo nên diện mạo trù phù và ấm no cho mảnh đất biên cương.
Cuộc sống mới trên vùng biên giới Ia Dom
Trở lại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) vào những ngày, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” trên vùng biên giới và niềm vui của người dân nơi đây do đời sống ngày càng phát triển.
|
Đổi thay từ chính sách dân tộc ở huyện nghèo vùng biên
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nơi vùng cao biên giới.
|
Vùng đặc biệt "5 không" ở Lào Cai thoát nghèo trở thành điểm sáng biên giới
Lào Cai có 3 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Những năm qua, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
|