Nỗi đau của trẻ bạch tạng bị thầy phù thủy giết hại làm tà thuật và thần chú tại châu Phi
Mới đây, trang Daily Mail đã đăng tải những một bộ ảnh về trẻ em bạch tạng tại Tanzania, quốc gia châu Phi với tình trạng "săn" trẻ bạch tạng táo tợn bậc nhất thế giới, nơi cơ thể của các em được bán cho những gã phù thủy làm trò tà thuật.
Nhiều nước châu Phi vẫn còn duy trì tập tục và quan niệm cổ hủ, sai trái rằng cơ thể của những đứa trẻ bạch tạng có thể được dùng để làm tà thuật. Chính vì vậy, chúng thường trở thành đối tượng của những thợ săn trẻ bạch tạng. Nhiều em bị giết hại dã man và lấy đi các bộ phận cơ thể như cánh tay, chân, da, tóc, mắt...
Một bức ảnh với trẻ em bạch tạng và trẻ em bình thường nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề trẻ bạch tạng châu Phi.
Tại Tanzania, cứ 1,400 trẻ em lại có 1 trẻ bạch tạng - tỷ lệ lớn nhất tại châu Phi. Chính vì vậy, các vụ tấn công cũng xảy ra nhiều tại quốc gia Đông Phi này.
Để có thể ghi lại cuộc sống của những đứa trẻ bạch tạng một cách chân thật nhất, nhiếp ảnh gia người Hà Lan Marinka Masseus đã tới Tanzania và tiếp cận với trẻ bạch tạng trên chính quê hương của các em.
Những đứa trẻ bạch tạng ở Tanzania, Đông Phi sinh ra với một cái giá treo lơ lửng trên đầu. Các bộ phận cơ thể của trẻ bạch tạng đôi khi được dùng làm bùa chú hay độc dược cho những thầy phù thủy.
Những tay phù thủy tin rằng, sử dụng cơ thể của trẻ bạch tạng để thực hiện tà thuật có thể mang lại sự giàu có và may mắn.
Cơ thể của những đứa trẻ này được cho là có khả năng chữa lành vết thương và mang lại sự giàu có cho người dùng. Các vụ tấn công trẻ bạch tạng cũng thường xảy ra trước khi cuộc bầu cử diễn ra tại các vùng nông thôn.
Tại Tanzania, từ năm 2006 tới đây đã ghi nhận 170 vụ tấn công người bạch tạng, trong đó có 70 vụ sát hại dã man.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạch tạng là do di truyền, trẻ bị thiếu melanin, sắc tố tạo nên màu da, tóc và mắt.
Tại Tanzania, cứ 1,400 trẻ em lại có 1 trẻ bạch tạng - tỷ lệ lớn nhất tại châu Phi. Chính vì vậy, các vụ tấn công cũng xảy ra nhiều tại quốc gia Đông Phi này.
Một món độc dược hay bùa chú làm từ cơ thể trẻ bạch tạng thường có giá khoảng hơn 150 triệu đồng trên thị trường chợ đen. Đây là một công việc béo bở với người dân một quốc gia nghèo khó, bất chấp sự vô nhân đạo của con người.
Nguyên nhân tỷ lệ trẻ bạch tạng ở Tanzania cao được coi là do tình trạng hôn nhân cận huyết.
Da của người bị bạch tạng dễ bị bỏng nắng, do đó dễ bị ung thư da. Ngoài ra, bạch tạng còn gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh sáng.
Nhiều chiến dịch cung cấp thuốc chống nắng chất lượng cao cho trẻ bạch tạng cũng được triển khai và thực hiện tại Tanzania, giúp các em giảm khả năng mắc ung thư da.
Nhiều gia đình có con bị bạch tạng luôn nơm nớp lo sợ một ngày con mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của những kẻ săn trẻ bạch tạng.
Tiếp tay cho những tên tội phạm đôi khi lại chính là người thân, họ hàng của các em. Vì tiền nên họ có thể táng tận lương tâm, bán con cháu mình cho những tay phù thủy.
Được biết, hơn một nửa dân số tại Tanzania vẫn tin rằng, các phù thủy có thể tạo ra những thứ như bùa chú, thuốc từ nội tạng trẻ bạch tạng để mang lại sự giàu có và quyền lực cho mọi người.
Chính quyền các nước khu vực Đông Phi đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng "săn" người bạch tạng. Nếu không có những thay đổi và động thái kiên quyết hơn, sẽ có hàng loạt các vụ giết người thương tâm xảy ra không chỉ tại Tanzania, Malawi mà còn nhiều nước khác trong khu vực.
Skye