Nỗ lực “xanh hóa” của ngành hàng không thế giới
Sử dụng nhiên liệu bền vững
Đầu năm nay, hãng hàng không Emirates của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đánh dấu bước chuyển quan trọng hướng tới mục tiêu đạt lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050 với chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Emirates thử nghiệm thành công chuyến bay chạy bằng 100% nhiên liệu hàng không bền vững Ảnh: The Aviator |
Vùng Vịnh có ba hãng hàng không nổi tiếng và cũng có quy mô thuộc nhóm đầu thế giới là Etihad của Abu Dhabi, Emirates của UAR và Qatar Airways của Qatar. Trong đó, Etihad đã hai năm liên tiếp đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng Hãng hàng không thân thiện với môi trường. Etihad đã tuyên bố mục tiêu sẽ cắt giảm được một nửa lượng khí thải vào năm 2035 và trở thành hãng hàng không phát thải vào năm 2050.
Emirates và Qatar Airways đang xây dựng lộ trình để trở thành hãng hàng không không phát thải vào năm 2050. Ngoài ra, Cơ quan phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu của UAE và Vùng Vịnh là Masdar cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Airbus để phát triển năng lượng sạch cho ngành hàng không. Đáng chú ý, trong tầm nhìn của họ, máy bay trong tương lai sẽ có thể chạy các nguồn năng lượng mới như Hydrogen hay năng lượng từ không khí.
Để thúc đẩy nhiên liệu hàng không bền vững, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu sử dụng 2% nhiên liệu SAF vào năm 2030 và 5% vào năm 2050 theo thỏa thuận chung của khối. Tại châu Á, các hãng hàng không lớn của Nhật Bản như Japan Airlines hay All Nippon Airways cũng bắt đầu sử dụng SAF, đồng thời vạch ra lộ trình đạt mức phải thải quy định vào năm 2050.
Phát triển máy bay điện
Tháng 9/2022, mẫu máy bay chạy bằng pin có tên Alice của nhà sản xuất Israel Eviation đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ở Washington (Mỹ). Đây là mẫu máy bay chở khách có khả năng chở tổng cộng hơn một tấn, tương đương với 9 người cùng hành lý, đạt tốc độ tối đa khoảng 480km/giờ. Mẫu máy bay sử dụng động cơ MagniX và một hệ thống pin khổng lồ từ nhà sản xuất AVL, đều của Mỹ.
Công ty Hybrid Air Vehicle đang phát triển máy bay chạy điện Airlander. (Ảnh: Live Science) |
Ông Gregory Davis, Tổng Giám đốc điều hành của Eviation cho biết, công ty hướng tới phát triển một loại pin có thể sạc trong khoảng 35 phút và đủ dùng cho chuyến đi ngắn từ một đến hai giờ.
Trong khi đó, Công ty Hybrid Air Vehicle của Anh cũng phát triển máy bay chạy điện Airlander – mẫu máy bay hiện đại, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến.
Theo nhà sản xuất, mẫu máy bay này có trọng tải tối đa 10 tấn, bay liên tục trong 5 ngày, tầm bay lên tới 7.400 km và ở độ cao tối đa 6.000 mét. Mẫu máy bay dự kiến đưa vào vận hành năm 2026 sẽ hoạt động theo cấu hình kết hợp, với 2 động cơ đốt trong và 2 động cơ chạy điện. Đến năm 2030, máy bay Airlander sẽ hoàn toàn vận hành bằng điện.
Ông Tom Grundy – Giám đốc điều hành Công ty Hybrid Air Vehicle: “Airlander là chiếc máy bay cỡ lớn hiệu quả nhất thế giới, nó được thiết kế để vận chuyển 10 tấn hàng hóa, 100 hành khách và đưa số hàng hóa cũng như hành khách này đến đúng nơi cần đến, nhưng chỉ thải ra lượng khí thải bằng 10% so với các máy bay khác”.
Một mẫu máy bay khác cũng hướng tới phát thải ròng bằng 0 là máy bay siêu thanh Overture của Công ty khởi nghiệp Boom Supersonic. Ngoài giảm thời gian bay, Overture sẽ sử dụng hệ thống giảm tiếng ồn tự động đầu tiên trên thế giới, đồng thời vận hành mà không cần bộ phận đốt cháy bổ sung để tăng lực đẩy.
Đến nay, các giải pháp giảm thiểu carbon của ngành hàng không vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên, để tiến tới khử carbon ở một trong những ngành thải ra lượng khí thải carbon nhiều nhất sẽ cần cả quá trình với nỗ lực và hợp tác của tất cả các bên liên quan: từ chính phủ, nhà sản xuất máy bay và động cơ, nhà cung cấp SAF, sân bay, hãng hàng không, tổ chức tài chính… Đặc biệt khi khách hàng phải trả thêm tiền cho du lịch bền vững, đồng nghĩa với việc nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ giảm là một bài toán không dễ đối với ngành hàng không.