Ninh Thuận: Nơi nâng niu sự sống cho rùa biển
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ rùa biển nghiêm ngặt, hoạt động cứu hộ rùa đẻ và thả rùa con về biển an toàn đang được các lực lượng cứu hộ triển khai một cách khoa học, bài bản.
Nâng niu sự sống cho rùa biển
Kiểm tra tổ rùa đã nở để xác định số rùa con, số trứng bị hư để phục vụ thống kê, nghiên cứu. |
Một đêm đầu tháng 10, mưa bay lất phất, chúng tôi theo chân ba thành viên của Tổ bảo tồn rùa biển đi kiểm tra bãi rùa đẻ ở khu vực Bãi Thịt. Những bước chân đi thật nhẹ nhàng dọc bãi biển dài khoảng 2 km. Trong ánh sáng đèn pin lấp loáng, mọi người tập trung cao độ nhìn về hướng bãi biển trước mặt và toàn bộ khu vực bãi cát để kiểm tra dấu hiệu đường đi rùa biển lên đào tổ đẻ.
Anh Phạm Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Bảo tồn biển, Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa cho biết, mùa rùa biển lên đẻ trứng thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11, từ tháng 6 đến tháng 8 là đợt cao điểm sinh sản của rùa biển. Vùng biển ở đây ghi nhận hai loài rùa thường xuyên lên bãi đẻ là Rùa xanh và Đồi mồi dứa. Những khu vực xuất hiện rùa biển lên bãi cát đào tổ đẻ trứng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong thời gian rùa lên bãi đẻ trứng, các thành viên của Tổ bảo vệ rùa biển thường xuyên tổ chức tuần tra để theo dõi, ghi nhận các thông tin về rùa biển lên bãi đẻ trứng, di dời các tổ trứng có nguy cơ ngập nước do thủy triều, bảo vệ trứng và rùa con không cho các loài thiên địch phá hoại và canh giữ không để con người săn trộm; đồng thời làm nhiệm vụ cứu hộ và thả rùa con về biển an toàn.
Dừng lại tại một tổ rùa biển đã nở, nhẹ nhàng đào lớp cát, anh Dũng nhặt những vỏ trứng rùa lên kiểm tra số lượng trứng rùa nở thành công và số trứng bị hỏng để phục vụ cho nhiệm vụ thống kê, nghiên cứu. Qua theo dõi, rùa mẹ thường lên bãi cát vào ban đêm rồi dùng hai chân trước bới cát thành một chiếc ổ rộng, dùng hai chân sau đào một hố nhỏ, sâu từ 30 - 40 cm để đẻ trứng vào hố. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ lấp cát vào ổ đẻ để tránh kẻ thù ăn mất trứng. Trong điều kiện thuận lợi, rùa mẹ đẻ trứng từ 1 đến 2 giờ rồi quay trở về biển. Trường hợp điều kiện tự nhiên bất lợi, bãi cát khô, rùa mẹ phải dành nhiều thời gian hơn để đào tổ đẻ, có con quay trở lại biển đến hôm sau mới lên đào lại.
Rùa con vượt qua lớp cát tổ đẻ để trở về biển. |
Rùa mẹ mỗi lần đẻ từ 80 đến trên 120 quả trứng. Các thành viên của tổ tiến hành nhập ngày, tháng rùa đẻ, theo dõi thời gian trứng rùa sẽ nở để kiểm tra. Thời gian trứng nở thành rùa con từ 47 đến trên 50 ngày và phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nếu nhiệt độ cao, thời gian trứng nở sẽ nhanh hơn, số lượng rùa cái sẽ nhiều hơn và ngược lại. Rùa con chui ra khỏi vỏ trứng và dùng hai chân trước bới cát bò lên khỏi mặt đất, lấy hết sức lao nhanh ra biển. Nếu những cá thể rùa con sức yếu không ngoi lên được lớp cát, các thành viên sẽ hỗ trợ cứu hộ thả về biển an toàn, anh Phạm Anh Dũng cho hay.
Gần 10 năm tham gia Tổ tình nguyện bảo vệ rùa biển, anh Nguyễn Tỵ (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, ở Bãi Thịt trước đây, mỗi đêm có từ 5 đến 8 con rùa mẹ lên bãi đẻ, hiện nay ít hơn. Vì tình yêu với biển, anh đã tự nguyện tham gia chương trình bảo tồn rùa biển. Không kể ngày đêm, mưa nắng anh em trong tổ đều tổ chức đi tuần tra bảo vệ, cứu hộ rùa biển để giữ lại những con rùa biển quý hiếm.
Qua thống kê, mỗi năm, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa tổ chức cứu hộ và thả hàng trăm lượt rùa con về biển. Tính từ đầu năm đến nay, ghi nhận có 78 lượt rùa lên bãi bói tổ, có 23 tổ đẻ thành công, đến ngày 6/10 có 15 tổ đã nở với 1.253 rùa con đã trở về biển. Cùng với đó, lực lượng cứu hộ đã tiếp nhận và thả một cá thể Rùa xanh trưởng thành nặng 10 kg về biển an toàn.
Nhiều giải pháp bảo tồn rùa biển
Rùa con trở về biển ở Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Ninh Thuận. |
Theo thống kê, các khu vực biển Bãi Thịt, Bãi Hõm, Bãi Ngang thuộc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có quần thể rùa biển đến sinh sản gồm Rùa xanh, Đồi mồi dứa, Đồi mồi... đều là những loài nguy cấp có tên trong Sách đỏ Việt Nam và và Danh mục đỏ thế giới (IUCN). Những năm gần đây, tần suất và số lượng rùa biển lên các bãi cát đào tổ để đẻ trứng ngày càng ít đi, chủ yếu là Rùa xanh lên các bãi đẻ. Những nguyên nhân khiến rùa biển ít xuất hiện và ít lên tìm bãi đẻ trứng do biến đổi khí hậu, nắng hạn khiến lớp cát không đủ độ ẩm thích hợp để làm tổ đẻ trứng nên rùa quay trở lại biển.
Ngoài ra, các hoạt động khai thác tận diệt như đánh mìn, sử dụng hóa chất độc hại, khai thác san hô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của rùa biển. Tình trạng rùa bị chết do vô tình mắc vào lưới đánh cá của ngư dân khiến rùa không thể ngoi lên mặt nước để thở và dần chết ngạt. Ô nhiễm môi trường nước và nguồn thức ăn bị thu hẹp cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cá thể rùa biển bị suy giảm.
Để bảo tồn rùa biển, từ năm 2000 đến nay, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong, ngoài nước như Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Quỹ Môi trường toàn cầu, Viện Hải dương học, Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa đã phối hợp triển khai các dự án bảo tồn, nghiên cứu về các loài rùa trong khu vực biển, tình trạng rùa lên bãi đẻ để xây dựng các kế hoạch bảo vệ các bãi đẻ và cứu hộ rùa biển.
Ông Trần Văn Tiếp, đại điện Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa cho biết, để bảo vệ loài rùa biển quý hiếm, đơn vị đang triển khai đồng bộ nhiều phương án, giải pháp để bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác. Cụ thể, Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa xây dựng và duy trì các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên là người địa phương cùng hàng chục tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành trên cả nước cùng tham gia bảo vệ rùa biển. Đơn vị tăng cường phối hợp với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo tồn, cứu hộ và cứu chữa rùa biển cho cán bộ, tình nguyện viên.
Cứu hộ, thả rùa con về biển ở Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Ninh Thuận. |
Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn lập tức báo ngay cho lực lượng cứu hộ; xây dựng mạng lưới các vùng biển trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận các cá thể rùa còn sống, đưa tới Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện rùa bị nuôi nhốt, đánh bắt, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi thả ra môi trường tự nhiên.
Theo Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa là một trong những khu vực ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển.
Để bảo tồn các loài rùa biển, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa tăng cường bảo vệ loài rùa biển; kiểm tra, giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ rùa biển, trứng và các bộ phận của rùa biển. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rùa biển.
Sự đớn đau của rùa biển và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng đề nghị từng cơ quan, đơn vị có chương trình, kế hoạch thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa như hạn chế, tiến đến không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong cơ quan, đơn vị; hạn chế sử dụng kinh phí Nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần... |
Hà Tĩnh: Thả rùa biển vô cùng quý hiếm về tự nhiên Một con rùa biển quý hiếm nặng gần 40kg vừa được các lực lượng chức năng Hà Tĩnh “giải cứu” thả trở lại biển. |
Dùng máy bay không người lái bảo vệ rùa biển Hai máy bay không người lái đã được triển khai trong nỗ lực bảo vệ trứng của loài rùa biển khi chúng bắt đầu làm ổ đẻ trên bờ biển Mexico. |