Ninh Thuận: nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản
Thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển nghề nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch và chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm chất lượng góp phần làm gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Để triển khai thực hiện, ngành thủy sản phối hợp các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về hướng dẫn ngư dân tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; trong đó, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác làm hạt nhân tổ chức liên kết sản xuất.
Tỉnh Ninh Thuận chuyển đổi dần từ hình thức nuôi cá lồng bè truyền thống, gần bờ chuyển sang nuôi biển công nghiệp, xa bờ ( Ảnh minh họa ). |
Đối với hoạt động nuôi biển, ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, chuyển đổi dần từ hình thức nuôi cá lồng bè truyền thống, gần bờ chuyển sang nuôi biển công nghiệp, xa bờ bằng việc áp dụng hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết sóng to, gió lớn, bão như mô hình nuôi cá biển lồng công nghiệp theo công nghệ Na Uy. Bên cạnh đó khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi biển theo hình thức hữu cơ, sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, các đơn vị chuyên môn sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh kịp thời, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp phòng trị hiệu quả một số bệnh thường xảy ra. Đồng thời khi có các sự cố trên biển, tổ chức liên kết, hợp tác với các lực lượng để tổ chức hoạt động di dời người, lồng bè để đảm bảo an toàn và giảm thấp nhất về mức độ thiệt hại.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các đơn vị, phát triển hoạt động nuôi biển tập trung xa bờ, sản xuất giống phục vụ nuôi biển theo hướng hiện đại, quy mô lớn nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển bền vững, đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành trụ cột chính trong phát triển ngành thủy sản của địa phương.