Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Nội dung buổi làm việc tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề chính gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số; Công tác xây dựng hạ tầng, nền tảng số, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Đảm bảo an toàn an ninh mạng, phát triển, khai thác các ứng dụng cho người dân và doanh nghiệp. Các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến số hóa trong lĩnh vực quản lý đất đai, du lịch, đô thị thông minh... của tỉnh Ninh Bình.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của người đứng đầu; vai trò của cơ quan chuyên môn trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi số thành công.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức với các địa phương hiện nay, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm thay đổi tư duy, cách tiếp cận; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, việc chuyển đổi số phải thực hiện toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bộ thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Ninh Bình tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thực hiện chuyển đổi số thành công, hướng tới làm mẫu cho toàn quốc ở một số lĩnh vực, tạo ra những thay đổi toàn diện cho tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là một trong những địa phương thí điểm về chuyển đổi số trong cả nước, vì vậy tỉnh xác định rất rõ trách nhiệm, cơ hội và quyết tâm để thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong các năm 2021 và 2022, tỉnh đều bố trí nguồn ngân sách 150 tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng chi cân đối ngân sách địa phương để thực hiện chuyển đổi số, gấp 3 lần so với năm 2020. Chủ trương nhất quán cùng sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt đã tạo động lực để việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của tỉnh có những bước tiến quan trọng.
Bên cạnh đó, tại tỉnh Ninh Bình vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra, tỉnh mong muốn qua buổi làm việc sẽ trao đổi, học hỏi, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách như: Khung giá, định mức tiêu chuẩn; Việc hỗ trợ đối tượng, chính sách tiếp cận công nghệ thông tin; Vấn đề điều hành quản trị, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và trong công tác tổ chức xây dựng Đảng...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình khẳng định, những kết quả của buổi làm việc giúp tỉnh Ninh Bình có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số thành công phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, cần nhất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tốt hơn. Ninh Bình đã có quyết tâm, đã bố trí kinh phí, kết quả đạt được bước đầu rất tích cực, song trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những khó khăn, lúng túng.
Do vậy, Ninh Bình rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông về một số lĩnh vực trong đó có quản lý cán bộ, tạo nền tảng số để tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với Đảng và chính quyền, qua đó cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ninh Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.