Đẩy mạnh sáng kiến mới tiếp tục là dòng chảy chính của hợp tác APEC
Đây là đợt Hội nghị quan trọng thứ hai trong năm 2022 và là sự kiện lớn đầu tiên trong khuôn khổ APEC được tổ chức trực tiếp sau hơn 2 năm gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Tham dự Hội nghị có khoảng 500 đại biểu là đại diện của 21 nền kinh tế thành viên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cùng với đại diện của các Bộ Ngoại giao, Công Thương và Kế hoạch & Đầu tư.
Logo và chủ đề của năm APEC 2022. |
“Hội nghị đã đạt được các mục tiêu lớn đặt ra”. Đây là lời khẳng định của ông Jurin Laksanawisit, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan.
Với chủ đề “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng”, các thành viên APEC đã tập trung thảo luận nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại tự do và liên kết kinh tế khu vực, đẩy mạnh tăng trưởng cân bằng, bền vững, bao trùm một cách toàn diện, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, di chuyển an toàn của người dân và lưu thông hàng hóa trong khu vực, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Thương mại 29. (Nguồn: Báo Nhân Dân) |
Để góp phần hướng tới một kết quả tích cực cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (dự kiến diễn ra vào 12-15/6 tại Geneva, Thụy Sĩ), các Bộ trưởng APEC đã nghe bà Ngozi Okonjo Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cập nhật tình hình chuẩn bị cho Hội nghị.
Bà Iweala một lần nữa kêu gọi các nền kinh tế cởi mở và linh hoạt hơn, nỗ lực hết sức để thu hẹp những khác biệt trong các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu đạt được những kết quả thực chất, đem lại các tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế - thương mại toàn cầu.
Các thành viên APEC ghi nhận và tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa phương minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm là WTO.
Bà Ngozi Okonjo Iweala, Tổng giám đốc WTO tham dự Hội nghị. |
Bàn về liên kết kinh tế khu vực, nhiều ý kiến phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của các khuôn khổ liên kết kinh tế khu vực hiện nay, nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đặc biệt, trong dịp Hội nghị, các Bộ trưởng Thương mại APEC đã có một Phiên đối thoại thực chất với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), qua đó khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và thúc đẩy các chương trình hợp tác của APEC.
Các doanh nghiệp khẳng định mục tiêu hướng tới hình thành khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) đặc biệt quan trọng, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này. Các thành viên APEC cũng đề xuất và tích cực thảo luận về nhiều chương trình làm việc FTAAP.
Về hợp tác kết nối, một trong những kết quả nổi bật của APEC trong thời gian qua là quyết định thành lập Nhóm đặc trách APEC về Di chuyển an toàn, do các quan chức cao cấp trực tiếp phụ trách.
Nhiều sáng kiến hợp tác mới đã được đề xuất nhằm tăng cường sự đồng bộ và thống nhất trong việc tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, cũng như các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong khi vẫn bảo đảm an toàn về y tế và sức khỏe.
Là một trong những trọng tâm của hợp tác APEC 2022, đẩy mạnh hướng tới xây dựng mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn - xanh BCG được chủ nhà Thái Lan chú trọng thúc đẩy, trong đó hướng đến các mục tiêu về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; thương mại và đầu tư bền vững; quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; đẩy mạnh hiệu quả quản lý tài nguyên và chất thải ra môi trường.
Đề xuất của Thái Lan được các thành viên quan tâm, ủng hộ và đây sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận của APEC 2022.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị (Nguồn: Báo Nhân Dân). |
Đoàn Việt Nam cũng đã tích cực tham gia đóng góp tại Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương với WTO đóng vai trò trung tâm, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia các phiên đàm phán, thảo luận nhằm giải quyết các vấn đề trong WTO hiện nay, đảm bảo mang lại những kết quả thực chất và kịp thời, góp phần vào thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO 12.
Về hợp tác thúc đẩy FTAAP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, ý tưởng hình thành FTAAP được khởi xướng lần đầu tiên ở Hội nghị cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội và từ đó đến nay, Việt Nam luôn tích cực ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực. Hiện Việt Nam là một trong số ít các thành viên APEC tham gia vào cả 02 Hiệp định Thương mại tự do quy mô nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là CPTPP và RCEP. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên để cùng hiện thực hóa FTAAP.
Mặc dù không ra được Tuyên bố chung của các Bộ trưởng, nhưng những nội dung thảo luận và thống nhất tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để APEC tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác toàn diện, đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 và Chương trình hành động Aotearoa, hướng tới xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình.
Tăng cường quảng bá và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và Đan Mạch Ngày 19/5 (giờ địa phương), Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch kiêm Cộng hòa Iceland Lương Thanh Nghị đã tham dự cuộc họp của Ủy ban ASEAN tại Copenhagen (ACC). Tham dự cuộc họp còn có Đại sứ các nước Thái Lan, Philippines và Indonesia. Hiện chức Chủ tịch ACC do Thái Lan đảm nhiệm. |
Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào tiếp tục tăng cường hợp tác Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, chiều 16/5, Đoàn đại biểu Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Công chính và Vận tải Lào Viengsavath Siphandone. |