Những phận đời lạc lối và cuộc sống hồi sinh ngoài song sắt
Người bán dâm hoàn lương sẽ được hỗ trợ thay đổi cuộc sống Các chính sách, dịch vụ tại mô hình thí điểm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo, được kỳ vọng ... |
Nữ tù nhân mang tội giết người hoàn lương và hành trình vượt qua định kiến để trở thành tiến sĩ khoa học danh giá Làm lại cuộc đời từ quá khứ đầy tội lỗi và đau thương, nữ tù nhân Michelle Jones đã đạp bỏ mọi định kiến và ... |
Nỗ lực “viết” lại cuộc đời
Do thiếu hiểu biết về pháp luật, cả hai vợ chồng chị Lê Thị Dung, thôn Tân Thành, thị trấn Việt Quang, Bắc Quang (Hà Giang) phạm tội bắt giữ người trái phép và phải trả giá cho những lỗi lầm đã gây ra.
Rũ bỏ áo tù, bước ra khỏi cánh cổng trại giam, chị Dung bắt đầu thực hiện những ước mơ còn dang dở. Với sự tiếp sức, giúp đỡ của gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương, chị đã dành tâm huyết xây dựng xưởng may vào năm 2019. Bắt đầu từ 1-2 máy may, đến nay xưởng đã mở rộng quy mô với 30 máy may, 20 công nhân và đào tạo, dạy nghề cho 30 học viên. Thu nhập của công nhân đạt từ 3 - 7 triệu đồng/tháng, theo báo Hà Giang.
Xưởng may của chị Lê Thị Dung tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. |
Cũng rơi vào vòng lao lý vì tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, vợ chồng chị Hoàng Thị Sinh, thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã nỗ lực để cải tạo thật tốt để được trở về bên gia đình và “viết” lại cuộc đời.
Nhờ nguồn vốn vay 200 triệu đồng không lãi theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh Hà Giang, gia đình chị Sinh đã cải tạo ruộng vườn bỏ hoang thành vườn cam Sành, ao thả cá kết hợp với chăn nuôi trâu, ngựa, gà, vịt; mỗi năm đem lại hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, chị Sinh còn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân quanh vùng.
"Tổ hoàn lương" giúp nhau vượt khó
Không chỉ có nỗ lực của từng cá nhân, ở xã Hữu Sản – Bắc Quang (Hà Giang) còn có một mô hình đậm tính nhân văn: “Giúp người lầm lỗi, đổi mới tư duy” (hay Tổ hoàn lương).
Năm 1989, sau khoảnh khắc tự vệ trước sự hành hung của người khác, ông Đặng Hà Vẻ (thôn Đoàn Kết, xã Hữu Sản – Bắc Quang, Hà Giang) đã sơ ý khiến 1 người thiệt mạng, 1 người khác bị thương và nhận bản án tù chung thân.
Nhân thấy sai lầm của bản thân, ông đã nỗ lực cải tạo thật tốt để chờ ngày gặp lại người thân. Nhận thấy “mầm thiện“ trong con người ông Vẻ; năm 2005, tức sau 16 năm chấp hành án phạt tù, ông được nhận ân xá của Chủ tịch nước để tái hòa nhập cộng đồng đúng ngày Quốc khánh 2/9.
Trân trọng ngày đoàn tụ, ông Vẻ cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế từ 5 ha rừng keo, chăn nuôi gia súc và hàng nghìn gia cầm; trồng lúa đặc sản Nếp cái hoa vàng kết hợp nuôi cá Chép ruộng để tạo thu nhập, lợi ích kép...
Ông cũng là người đầu tiên trong xã chuyển đổi đồi tạp sang trồng Keo. Qua 5 - 7 năm/chu kỳ khai thác giúp ông thu lợi trên 500 triệu đồng. Với cách làm tiến bộ này, nhiều người được ông truyền dạy kinh nghiệm đã học tập, làm theo. Đến nay, phát triển kinh tế rừng tại xã Hữu Sản đã trở thành chiến lược đột phá. Với thành công trên, năm 2017, ông Vẻ vui mừng nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang về thành tích xuất sắc trong công tác “dân vận khéo”.
Giờ đây, với sự cần cù lao động; ông Vẻ đã sở hữu cơ ngơi khang trang trị giá bạc tỷ, được bà con tin tưởng, yêu mến…
Năm 2018, mái nhà chung mang tên Tổ hoàn lương ra đời. Người “nhạc trưởng” không ai khác chính là ông Đặng Hà Vẻ. “Đây là địa chỉ quy tụ 7 người từng có tiền án, tiền sự trên địa bàn xã, nay chung quyết tâm đổi mới tư duy để góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh về kinh tế, sớm đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn về ANTT theo chương trình xây dựng Nông thôn mới”, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản – Nguyễn Bá Tuấn, chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản, Nguyễn Bá Tuấn (bên phải) khảo sát mô hình trồng lúa Nếp cái hoa vàng kết hợp nuôi cá Chép ruộng của thành viên Tổ hoàn lương. |
Noi gương ông Vẻ, các thành viên Tổ hoàn lương từng bước “khôi phục kinh tế” gia đình. Đặc biệt, qua hơn 2 năm hoạt động đến nay, với mức đóng góp 500 nghìn đồng/người/năm, Tổ đã giúp 4 thành viên có nguồn vốn vay 10 triệu đồng để gây dựng kinh tế hoặc tăng gia sản xuất. Với số tiền bình quân 2,5 triệu đồng/người vay (lãi suất 0,3%/năm) tuy không nhiều nhưng là tài sản lớn để các thành viên mua cây, con giống.
Trả lời báo Hà Giang, Trung tá Lê Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh Hà Giang, cho biết: “Hiện, toàn tỉnh có 690 người tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về gia đình, xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù, hằng năm, Công an tỉnh đã mở các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật cho các trường hợp trên. Với sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là công an, trên địa bàn tỉnh duy trì được 9 mô hình điểm tái hoà nhập cộng đồng và 1 câu lạc bộ “Vững bước”. Một số nơi có những cách làm hay là giao trực tiếp cho 2 hoặc 4 hội, đoàn thể phụ trách giúp đỡ 1 trường hợp. Qua đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tái phạm tội chiếm 0,72%. Những tấm gương tiêu biểu được Công an tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho họ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện”.
Tín dụng cho người bán dâm, nghiện ma túy hoàn lương còn khó khăn Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau ... |
Tấm gương hoàn lương gieo niềm tin cho người trót sa ngã Câu chuyện hoàn lương của anh Lê Trung Tuấn, ở thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đang gieo niềm tin và ... |