Nữ tù nhân mang tội giết người hoàn lương và hành trình vượt qua định kiến để trở thành tiến sĩ khoa học danh giá
Đoạn đường đời nhúng chàm
Mang thai ở tuổi 14 sau một mối tình không mấy êm đẹp với một người học sinh lớn tuổi hơn học cùng trường, Michelle Jones bị chính mẹ mình bạo hành bằng những hành động dã man như cầm vật nặng đánh liên tiếp vào bụng. Nhờ pháp luật can thiệp, Jones lập tức được tách khỏi người mẹ bạo lực, chuyển đến sống trong các trung tâm giáo dục và nuôi dưỡng trẻ vị thành niên.
Trong chính hồ sơ xin học tại Đại học Harvard danh tiếng của mình, Jones đã chia sẻ rằng, những năm tháng sống cùng người mẹ bạo lực đã để lại trong cô những chấn động tâm lý lớn. Chứng suy nhược tâm lý kéo dài đã khiến cô bước chân vào vết xe đổ của chính mẹ mình: bạo lực gia đình. Nạn nhân lần này là cậu con trai 4 tuổi của cô, bé Brandon Sims.
Năm 1992, bé Brandon Sims đã ra đi vĩnh viễn, nguyên nhân cái chết cũng như thi thể của em đã trở thành một dấu hỏi lớn cho các lực lượng chức năng bấy giờ. Hai năm sau, trong thời gian lưu trú tại trại phục hồi tâm lý, Michelle Jones đã thừa nhận hành vi mất hết nhân tính của mình.
Vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của bà Michelle - một tấm gương về chặng đường hoàn lương tưởng như không thể. Câu chuyện của bà đã làm chấn động nước Mỹ những ngày qua.
Những tình tiết căng thẳng tiếp tục được hé lộ tại tòa án khi một người bạn cũ kể tội Michelle. Cô đã đánh đập bé Brandon và nhốt em trong nhà nhiều ngày cho đến chết. Hành vi phạm pháp mù quáng lên đến đỉnh điểm khi Michelle giấu xác con và chối mọi tội lỗi trước cảnh sát và gia đình nhà chồng.
Theo quyết định của tòa án, Michelle Jones bị kết án 50 năm tù giam, cô được tại ngoại sau 20 năm tù dựa trên thành tích học tập và quá trình cải tạo tốt. 20 năm "bóc lịch" dài đằng đẵng đã trở thành một bước đệm cho những thành công sau này của cô.
Trong bài luận ứng tuyển vào Đại học Harvard, cô gửi lời nhắn đến với cậu con trai đã khuất Brandon: "Tôi xin thề với chính bản thân và con trai, rằng trong những năm tháng còn lại của cuộc đời mình, tôi sẽ sống một cuộc đời lương thiện, có ý nghĩa".
Lửa thử vàng
Ngồi sau song sắt nhà giam từ năm 1996, bà Jones làm việc công ích cải tạo trong một thư viện luật thuộc Nhà tù nữ Indiana, bang Indianapolis, Mỹ. Không chỉ có bằng chứng nhận trợ lý luật sư, bà còn sở hữu bằng cử nhân Đại học Ball State năm 2004 và bằng thạc sĩ tại Đại học Indiana.
Song, niềm đam mê với ngành lịch sử của bà chính thức được nhen nhóm từ năm 2012 khi Kelsey Kauffman - một cựu giáo sư giảng dạy tình nguyện trong tù - khuyến khích các tù nhân nghiên cứu nguồn gốc của chính "ngôi nhà chung" này. Nhà tù nữ Indiana được thành lập năm 1873, là trung tâm cải tạo nữ phạm nhân đầu tiên ở Hoa Kỳ. Đây cũng chính là xuất phát điểm để tài năng và nhiệt huyết của Jones vượt qua thành lũy của trại giam.
Sau khi ghi chép tỉ mỉ các dữ liệu nhân khẩu học từ các tài liệu cũ thuộc Nhà tù nữ Indiana, bà Jones đã phát hiện một nghịch lý: Nơi đây không hề tồn tại những tù nhân phạm tội mại dâm. Với sự giúp đỡ của một thủ thư, bà và một tù nhân khác phát hiện ra rằng, một nhà giặt quần áo Công giáo mở cửa vào cùng khoảng thời gian đó ở Indianapolis mới thực sự là trại cải tạo cho những phụ nữ "đi ăn đêm" - những người bị kết tội liên quan đến nạn mại dâm. Sau đó, họ tìm thấy hơn 30 cơ sở tương tự trên khắp đất nước, giống như các tiệm giặt là Magdalene gần đây đã được phát hiện ở Ireland.
Một vở kịch mang tên "Công tước xứ Stringtown" được viết bởi Michelle được diễn trong "ngôi nhà chung" từ những ngày tháng trong tù.
Dưới sự quản lý của bà Kauffman, Jones và bạn đã hoàn thiện những nghiên cứu của mình, xuất bản chúng trong một tạp chí học thuật của Indiana và giành được giải thưởng lịch sử của tiểu bang. Công trình này của bà cũng được trình bày tại nhiều hội thảo khoa học theo hình thức trực tuyến từ xa. Bên cạnh đó không thể không kể đến những công trình khác xoay quanh chủ đề lạm dụng các nữ tù nhân tại Nhà tù Indiana ở những năm đầu thành lập.
Không giống như những nhà nghiên cứu thông thường, Michelle không hề được tiếp cận đến nguồn tư liệu dồi dào trên mạng internet. Trong cảnh thư viện nhà tù chỉ toàn những đầu sách giải trí lãng mạn, Michelle xây dựng công trình nghiên cứu của mình từ những lần xem lén bản sao tài liệu được sao chụp từ Văn phòng Lưu trữ Bang Indiana.
Thành quả của bà là danh hiệu dự án nghiên cứu được đánh giá cao nhất do Hiệp hội lịch sử Indiana vinh dự công nhận vào năm vừa rồi. Là tù nhân số 970554, bà Jones cũng đã viết nhiều kịch bản cho các tác phẩm múa cùng các vở kịch lịch sử, một trong số đó được dự kiến công chiếu tại nhà hát bang Indianapolis vào tháng 12 năm nay.
"Liệu con người đó có thực sự hoàn lương?"
Con đường hoàn lương của người phụ nữ 45 tuổi đã đi đến những bước ngoặt lớn, Michelle Jones trở thành một học giả về lịch sử nước Mỹ nhờ vào việc bảo vệ thành công các công trình nghiên cứu của mình trong các cuộc tranh luận của các sử gia và Đại hội đồng Indiana.
Quá trình nghiên cứu, trình bày trước hội đồng qua những công cụ trực tuyến của bà hoàn toàn được thực hiện sau song sắt nhà tù, nơi Michelle dành 20 năm ròng để làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, chặng đường hoàn lương và được hòa nhập xã hội của bà vẫn vấp phải những định kiến xã hội.
Đại học New York là một trong những trường hàng đầu nước Mỹ đã chấp nhận Michelle Jones tiếp tục theo học chương trình đào tạo tiến sĩ. Trước khi "đầu quân" cho Đại học New York, cô nộp đơn cho tám trường đại học trong cả nước, trong đó Harvard là lựa chọn đầu tiên bởi cô ngưỡng mộ công trình nghiên cứu về nhà tù của các sử gia ở đại học này.
Trái với những mong đợi, Đại học Harvard danh tiếng lại tạo những nghịch lý nhằm chối bỏ hồ sơ xin học của nữ tù nhân Michelle Jones.
Mặc dù lọt vào danh sách 18 người xuất sắc, được lựa chọn từ hơn 300 ứng cử viên tham gia vào chương trình học ngành lịch sử của Đại học Harvard nhưng Michelle không thể trở thành ứng viên trúng tuyển vào trường đại học danh tiếng này.
Câu chuyện về Michelle và những thành kiến từ đại học Harvard đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Rất nhiều cá nhân và tổ chức đã can thiệp nhằm giúp đỡ Michelle theo đuổi sự nghiệp học tập như mọi công dân bình thường khác. Song về phía Đại học Harvard, mọi ý kiến từ chối hồ sơ xin học của Michelle vẫn được giữ nguyên. Không chỉ Harvard, Đại học Yale cũng nói không với hồ sơ của Michelle Jones, mặc dù không rõ nguyên nhân của sự từ chối thẳng thừng này có bắt nguồn từ quá khứ không mấy sáng lạng của cô hay không.
Những nỗ lực cuối cùng cũng được công nhận
Bên cạnh những thành kiến nặng nề mà Michelle nhận được trong chặng đường "quay đầu là bờ", sự nhiệt huyết và nỗ lực làm lại cuộc đời cùng tài năng của cô cũng đã làm lay động dư luận. Michelle nhận được rất nhiều những cánh tay giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức, cộng đồng - những người vẫn còn niềm tin vào sự hoàn lương của một nữ tù nhân mang án giết người.
Elizabeth Hinton, một trong những nhà sử học của Đại học Harvard ủng hộ bà Jones, đã nhận xét bà là "một trong những ứng cử viên mạnh nhất nhì đất nước".
Dự án Marshall là một tổ chức tin tức phi lợi nhuận tập trung vào công lý hình sự và cũng chính là tổ chức đã yêu cầu tờ The New York Times đăng tải câu chuyện của Michelle. Nhờ vào quyền lực và sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức đã có những hành động tạo sức ép đến "bộ sậu" đại học Harvard nhằm thay đổi quan điểm sai lệch về bà Jones. Giúp bà có cơ hội được học tập và phát huy thế mạnh của mình như mọi ứng cử viên khác.
Michelle và những nỗ lực đáng được ghi nhận trên con đường vươn tới bậc học cao nhất.
Một chiến dịch có tên "ban the box" của các nhóm đấu tranh vì quyền dân sự cũng đã chung tay cùng dự án Marshall nhằm mang lại công lý và cơ hội cho Michelle Jones.
Những cá nhân ủng hộ con đường hoàn lương của Michelle Jones còn phải kể đến Heather Ann Thompson - người đoạt giải Pulitzer về lịch sử 2017 - và công tố viên Diane Marger Moore - người bảo vệ lập luận rằng, Jones đã nhận bản án thích đáng và hành động cải tạo, học tập của bà là đáng được xã hội công nhận.
"Là người mẹ, tôi nghĩ những gì Michelle đã làm là một tội ác khủng khiếp.... Song, Michelle Jones đã lãnh án trong thời gian dài, một bản án thích đáng. Và bây giờ là lúc cô ấy có được cơ hội học tập và cống hiến như một công dân bình thường" - bà Marger Moore, hiện là luật sư của một hãng luật lớn tại Los Angeles bày tỏ quan điểm ủng hộ Michelle Jones.
Kết.
"Tôi chỉ không muốn tội lỗi của mình là ống kính soi chiếu mọi việc tôi làm. Tôi biết tôi đến từ nơi tối tăm nhất, tôi bị xã hội ghê tởm. Nhưng trong 20 năm qua, tôi đã cố gắng làm theo lẽ phải, bởi tôi vẫn còn quan tâm đến thế giới, và bởi tôi không tin quá khứ đen tối đó sẽ cản trở con đường học tập của tôi mãi mãi", Jones nói.
Những cánh cửa khác vẫn rộng mở với Michelle Jones, hòm thư của tù nhân tại Nhà tù nữ Indiana những ngày vừa qua vẫn luôn đầy ắp những lá thư mời học đến từ những đại học danh tiếng khắp nước Mỹ như Đại học California tại Berkeley, Đại học Michigan, Đại học Kansas và Đại học New York…
Đại học New York N.Y.U danh tiếng là sự lựa chọn sau cùng của Michelle trong việc theo đuổi bậc học cao quý nhất.
Quyết định theo học tại Đại học New York, Michelle háo hức được giảng dạy theo chương trình giáo dục nhà tù của đại học này, như một cách để tưởng nhớ về những năm tháng cũ. Cô cũng mong được bắt tàu tới thành phố Cambridge, bang Massachusetts để tham dự hội thảo của Harvard về lịch sử tội phạm và hình phạt của Mỹ.
Chính thức tại ngoại vào tháng 10 năm nay, song cô được nhận thêm một khoảng thời gian khoan hồng là hai tháng để có thể theo học kịp chương trình giảng dạy tiến sĩ khoa học tại ngôi trường mơ ước. Chuyển đến Manhattan để chuẩn bị cho một khởi đầu mới, hành trang của Michelle không gì ngoài kính cận và những chiếc hộp chứa đầy ghi chú về nghiên cứu mà cô đã thực hiện trong song sắt nhà lao.
"Quên Harvard đi. Tôi đã tốt nghiệp từ trường học khắc nghiệt nhất" - Michelle Jones.
Vào thứ sáu trước khi khóa học bắt đầu, trên băng ghế trong khuôn viên Đại học New York, Jones phản bác lại bất cứ luận điệu nào cho rằng, bà chưa sẵn sàng cho tấm bằng Tiến sĩ, bậc cao nhất trong sự nghiệp nghiên cứu:
"Người ta không sống sót 20 năm trong tù với bất kỳ sự khoan hồng nào ngoài nỗ lực của bản thân - Nỗ lực để có thể đọc và viết sau song sắt lao lý. Quên Harvard đi. Tôi đã tốt nghiệp từ trường học khắc nghiệt nhất".
Quế Hằng Spiderum