Những giá trị trường tồn về đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đồng Huy Cương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại Nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có bài tham luận với chủ đề "Những giá trị trường tồn về đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Bài tham luận có nội dung:
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tìm ra con đường cứu nước, cũng là người đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước, qua nhiều nước thuộc địa cũng như nhiều nước tư bản chủ nghĩa, đồng cảm với nhân dân lao động, đặc biệt là nhân dân lao động ở các nước bị thuộc địa, Người đã nhận ra đoàn kết nhân dân trong nước, cùng với đoàn kết quốc tế là nhân tố quan trọng mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc.
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. Ảnh: Báo Quân khu Bốn. |
Theo Người, đoàn kết là nguồn sức mạnh quan trọng làm nên mọi thành công. Người nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ thành công, thành công, đại thành công”. Đối với cách mạng Việt Nam, Người nhấn mạnh “sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới… Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn với chúng tôi”[1] và “Cách mạng Việt Nam luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ của giai cấp công nhân và nhân dân cách mạng thế giới, nhất là của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tình đoàn kết quốc tế vĩ đại ấy là một điều kiện rất quan trọng cho cách mạng Việt Nam thắng lợi”. Trong tư tưởng của Người, đoàn kết nhân dân trong nước kết hợp với đoàn kết quốc tế cũng chính là “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
Xuất phát từ tư tưởng đó, ngay từ những năm 1920, Người xác định và trực tiếp tổ chức thực hiện hai quan điểm cơ bản về đối ngoại: một là, đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới; hai là, gắn cách mạng ở thuộc địa với cách mạng của nhân dân lao động Pháp. Cũng xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn cao đẹp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc thành lập các tổ chức “Hội liên hiệp Thuộc địa (1921)”, “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (1925)”. Người cũng đã cử 11 đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình tại Paris năm 1949, được coi là Hội nghị thành lập Hội đồng Hòa bình thế giới.
Cho đến trước khi rời xa chúng ta để về với thế giới của người hiền, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho chúng ta, ngay ở những nội dung đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn trước những đóng góp to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước cũng như tình đoàn kết, sự ủng hộ quý báu cả về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế. Đó cũng là biểu hiện của truyền thống thủy chung, son sắt, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Cùng với niềm tin tưởng và sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, Người cũng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mất đoàn kết nội bộ giữa các đảng cộng sản. Người nói trong Di chúc: “là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!” và Người cũng đặt niềm tin “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình” và “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại’.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tin tưởng và giao phó: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Có thế nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế chính là nhân tố quan trọng làm nên thành công của cách mạng Việt Nam, đã huy động được một mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi chưa từng có đoàn kết, ủng hộ hai cuộc đấu tranh chính nghĩa để giành độc lập, thống nhất của nhân dân ta, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Bác Hồ thân mật trò chuyện cùng các cháu thiếu nhi Tiệp Khắc và Việt Nam nhân dịp Người sang thăm Tiệp Khắc năm 1957. Ảnh: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. |
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để tiếp tục “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, Đảng ta đã nhận thức được dòng chảy mới của thời đại, kiên định thực hiện chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế... "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chính từ chủ trương đúng đắn đó, nước ta từng bước ra khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận và mở rộng quan hệ đối ngoại. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và chiến lược với 18 quốc gia, trong đó có 05 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đối tác toàn diện với 13 quốc gia. Việt Nam cũng đã tham gia hơn 70 cơ chế đa phương quan trọng, ký 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Để tiếp tục vận dụng tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạch định, thực hiện đường lối đối ngoại với nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường vận dụng, không ngừng phát triển và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong quá trình hợp tác, thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, phức tạp, khó lường, chúng ta cần xác định được những xu hướng, trào lưu lớn của thế giới phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, các mục tiêu của Việt Nam, để đưa sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta trở thành một phần của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của thế giới, để vừa hiện thực hóa chủ trương “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vừa tiếp tục “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đúng đắn, có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Ba là, cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh và kinh tế; tăng cường phối hợp ngày càng hiệu quả giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, để tạo thế chân kiềng vững chắc, để đối ngoại có thể phát huy hơn nữa “vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Công tác đối ngoại của Việt Nam, trong đó có đối ngoại nhân dân, cần tiếp tục phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tư tưởng về đoàn kết quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ sau này là một tài sản vô cùng quý giá. Vận dụng sáng tạo và hiệu quả tư tưởng của Người trong công tác đối ngoại hiện nay góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.15, tr.675
Hoạt động bang giao dưới triều Nguyễn qua tư liệu Ngày 22/8, tại website Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đã diễn ra triển lãm 3D Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây. Triển lãm mang đến công chúng những trải nghiệm, khám phá thú vị, thông tin bổ ích, góc nhìn mới mẻ và hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động ngoại giao của Việt Nam dưới triều Nguyễn trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ (1802 - 1858). |
Kiều bào có đóng góp quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân Chiều 23/8, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp rất quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân trong công cuộc đổi mới. |