Những đồ vật không nên mang theo khi du lịch châu Á
Thái Lan: hút thuốc lá điện tử có thể đối mặt với án phạt tù
Thuốc lá điện tử (Ảnh: KT). |
Thái Lan kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và buôn bán sản phẩm chứa chất kích thích đặc biệt là thuốc lá điện tử. Du khách có thể bị phạt nặng hoặc ngồi tù lên đến 10 năm nếu bị phát hiện tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử tại quốc gia này. Ngoài ra việc đem theo thuốc lá, thuốc lào, đồ uống có cồn hoặc các sản phẩm chứa chất kích thích khác hoàn toàn bị cấm khi đi du lịch tại Thái Lan
Quốc gia này cũng kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và xuất khẩu các hiện vật văn hóa như tượng Phật, đồ cổ... Việc mang theo tượng phật, đồ cổ đặt chung trong vali, túi đựng quần, tất, giày… còn có thể bị coi là hành vi nhạy cảm, thiếu tôn nghiêm với Phật giáo.
Đối với động vật, nếu du khách muốn mang lên máy bay cần phải có giấy chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ sức khoẻ và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm. Nếu cố ý mang theo sẽ bị coi là hành vi mang theo vật phẩm nguy hiểm lên máy bay và bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng. Tuy nhiên, có một ngoại lệ là du khách được phép mang đồ xách tay hải sản tươi sống, thịt đông lạnh, nhưng sản phẩm cần được cho hộp hoặc thùng kín, tránh tạo mùi hôi trên máy bay.
Bên cạnh động vật, các quy định về nhập khẩu thực vật (trái cây, rau củ quả…) cũng được xây dựng nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh trong cây trồng. Khách du lịch nước ngoài mang trái cây tươi vào Thái Lan mà không có giấy phép sẽ phải đối diện với án tù và bị phạt tiền khoảng 580 USD (13 triệu VNĐ)
Hàng giả, hàng nhái sẽ bị tịch thu khi nhập cảnh vào Nhật Bản
Các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như hàng giả, hàng nhái, đĩa CD nhạc, đĩa phim không có bản quyền… bị cấm nhập khẩu vào Nhật Bản với lý do cản trở sự phát triển công nghiệp và nền kinh tế Nhật Bản. Kể cả khi du khách nghĩ rằng đồ của mình là hàng thật nhưng nếu hải quan xác định được là hàng giả họ vẫn có khả năng bị tịch thu.
Các sản phẩm khiêu dâm như sách, hình vẽ, tạp chí, CD, DVD… có thể làm tổn hại phong tuc tập quán, gây hại an ninh cộng đồng đều không được phép mang vào Nhật. Kể cả những vật dụng này chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân cũng không được phép mang theo.
Là thành viên của Công ước Washington về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, Nhật Bản thực hiện nghiêm ngặt các quy định cấm những sản phẩm từ lông thú, sản phẩm làm bằng da, thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc động vật… đều bị cấm mang vào Nhật Bản.
Đối với những trường hợp không tuân thủ đúng các quy định trên, tuỳ vào mức độ vi phạm du khách có thể bị phạt tiền, thậm chí là án tù. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền lên đến 1 triệu yên (khoảng 200 triệu VND) hoặc không đóng phạt mà bị buộc trả về nước tại sân bay;
– Ngồi tù cao nhất là 3 năm;
– Tịch thu 100% hành lý tại sân bay;
– Cấm nhập cảnh vào Nhật Bản vĩnh viễn.
Mang gói gia vị mỳ tôm vào Đài Loan (Trung Quốc) có thể bị phạt lên đến 150 triệu đồng
Đài Loan (Trung Quốc) có quy trình kiểm soát động, thực vật nghiêm ngặt. Khi nhập cảnh vào Đài Loan, du khách không được tuỳ tiện mang theo động, thực vật và các sản phẩm làm từ động, thực vật như các loại trái cây tươi, rau, củ tươi và khô dưới mọi hình thức; các loại thịt, thủy sản (như chà bông, xúc xích, tôm, cá sấy khô,...); các loại hoa, cây cảnh… Nếu vi phạm, du khách sẽ phải chịu các hình thức xử phạt sau:
- Tịch thu 100% tại sân bay
- Phạt tiền đến 200 nghìn Đài Tệ tương đương với 150 triệu VNĐ. Không đóng phạt buộc trả về nước tại sân bay.
- Cấm nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc) trong vòng 5 năm.
Bên cạnh đó, khi nhập cảnh vào Đài Loan (Trung Quốc), du khách được phép mang tiền mặt nhưng không quá 10.000 USD (không áp dụng với séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiện và các loại giấy tờ có giá khác), còn vàng thì được mang tổng giá trị không quá 20.000 USD. Nếu mang vượt quá số tiền trên, du khách phải đăng ký trước với Cục thương mại quốc tế - Bộ kinh tế và khai báo tại Hải quan. Trường hợp không khai báo bị phát hiện sẽ bị phạt hành chính tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Các thiết bị có pin không thể tháo rời bị cấm trên những chuyến bay tới Hàn Quốc
Pin Lithium (Ảnh: KT). |
Việc Hàn Quốc cấm các thiết bị điện tử có pin không thể tháo rời sử dụng pin lithium có công suất lớn hơn 160Wh và pin lithium dự phòng có công suất lớn hơn 160Wh là để đảm bảo an toàn trong quá trình bay. Các pin lithium có thể gây cháy nổ khi bị va đập hoặc khi bị phơi nhiệt quá mức, gây nguy hiểm cho hành khách và phi hành đoàn. Thay vào đó du khách có thể lựa chọn các thiết bị tương tự sử dụng dây cắm trực tiếp để có thể mang theo một cách an toàn trong suốt chuyến du lịch của mình.
Tương tự với pin lithium, MacBook Pro 15 inch sản xuất trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017 cũng bị cấm. Yêu cầu này được đặt ra sau khi chương trình “Tự nguyện thu hồi và thay thế pin ở một số lượng hạn chế các máy laptop MacBook Pro 15 inch” được công ty Apple thực hiện do những thiết bị này thường gặp tình trạng pin quá nóng và dễ gây cháy nổ.
Không mang bài tây và dụng cụ hỗ trợ đánh bài khi đến Trung Quốc
Tại Trung Quốc, hành vi đánh bạc bị coi là bất hợp pháp. Chính phủ nước này đã có nhiều động thái kiên quyết ngăn chặn, xử lý mạnh tay mọi hình thức cờ bạc. Vậy nên khi đi du lịch Trung Quốc, việc mang theo các bộ bài hoặc dụng cụ hỗ trợ đánh bài bị phát hiện có thể khiến du khách vướng vào nhiều vấn đề pháp lý rắc rối.
Ngoài ra, tài liệu dưới tất cả các dạng như tài liệu in, đĩa hát, phim điện ảnh, băng ghi âm, CD, DVD… chứa nội dung nhạy cảm như khiêu dâm hay các vấn đề tôn giáo, chính trị… đều bị cấm khi bị coi là tài liệu gây hại cho lợi ích kinh tế, văn hóa, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và dân tộc của Trung Quốc.